Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã đưa ra vấn đề kinh doanh vận tải giữa Uber, Grab và loại hình taxi truyền thống hiện nay.
Cạnh tranh không bình đẳng
Theo thống kê, sau 2 năm thí điểm, ngoài 2 ứng dụng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab), 8 đơn vị khác cũng đã tham gia Đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Bốn địa phương đã tham gia thí điểm gồm TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa với 866 đơn vị (doanh nghiệp, HTX) có tổng cộng hơn 36.000 phương tiện tham gia. Trong đó, nhiều nhất là TP HCM với 21.600 xe, Hà Nội 15.046 xe.
TP HCM đang chịu áp lực lớn bởi sự gia tăng ồ ạt ô tô vận tải Ảnh: GIA MINH
Liên quan đến việc Tòa án châu Âu phán quyết Uber là dịch vụ taxi, ông Thể yêu cầu các đơn vị phải tham mưu cho Bộ GTVT ra chính sách quản lý Uber, Grab đúng quy định, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, chống thất thu thuế, bảo đảm an toàn cho người dân khi sử dụng loại hình này.
"Một năm Uber, Grab báo lỗ cả ngàn tỉ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để "giết" taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?" - Bộ trưởng GTVT nói. Do đó, ông Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý loại hình Uber, Gbab theo hướng bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải, nhất là đối với taxi truyền thống.
Tại Hội nghị tổng kết 2 năm triển khai Quyết định 24/QĐ-BGTVT về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có Uber và Grab, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh những lợi ích không thể bàn cãi khi Uber, Grab xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên cần hoàn thiện quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ, rõ ràng, công bằng.
Ông Đỗ Quốc Bình, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, khẳng định qua 2 năm thí điểm có nhiều thất bại. Thất bại lớn nhất thể hiện ngay từ việc định danh đây là loại xe hợp đồng trong khi hoạt động không khác gì taxi. Với tên gọi xe hợp đồng, loại hình này không bị khống chế số lượng, đó là sự bất bình đẳng.
Phát sinh nhiều bất cập
Theo Sở GTVT TP HCM, sau 2 năm thí điểm, trên địa bàn TP có 3 đơn vị tham gia thí điểm là Công ty TNHH GrabTaxi, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Bà Bùi Thị Tâm, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Mai Linh, cho rằng loại hình vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử như Grab, Uber có bản chất tương đồng với hoạt động của taxi. Các đơn vị này trực tiếp điều hành kinh doanh vận tải, thực hiện các chức năng, hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải chứ không phải một đơn vị chỉ cung cấp công nghệ.
"Sau 2 năm thực hiện thí điểm, hàng loạt vấn đề bất cập đã phát sinh như không kiểm soát được số lượng phương tiện, đội ngũ lái xe... Uber và Grab đã vi phạm Luật Cạnh tranh khi liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm triệt tiêu các doanh nghiệp taxi truyền thống. Uber Việt Nam còn liên tục vi phạm các quy định của pháp luật khi vẫn ngang nhiên hoạt động dù không được phép ở một số địa phương như TP HCM, Khánh Hòa..." - bà Tâm cho biết.
Còn theo Sở GTVT TP HCM, trong quá trình thí điểm số lượng xe tham gia vận tải đang tăng nhanh, nhất là xe các tỉnh, làm tăng mật độ xe lưu thông và dừng trên đường gây ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị trên đã tự quy định giá cước vận tải, tự điều động phương tiện và thu tiền của khách… điều này không phù hợp với đề án thí điểm được Bộ GTVT phê duyệt.
Trong khi đó, theo đại diện Grab Việt Nam, hiện đơn vị vẫn đang chờ kết luận cũng như định hướng từ các cơ quan chức năng. Riêng quá trình hoạt động trước đây, phía Grab Việt Nam cho biết đã có báo cáo cụ thể và khẳng định đều thực hiện theo đúng các quy định của đề án thí điểm với đầy đủ tư cách pháp nhân, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế.
Bổ sung các quy định, điều kiện quản lý
Sở GTVT TP HCM đề xuất sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử, đồng thời nghiên cứu đưa loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng 9 chỗ ngồi trở xuống ứng dụng khoa học công nghệ. Nghiên cứu giảm một số điều kiện kinh doanh đối với taxi truyền thống… Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện hoạt động và các chế tài để xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Uber, Grab. Cần xem đây là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi.