Đại biểu Nguyễn Hữu Thông
Xe ô tô công: Không đi được miền núi; Phó Chủ tịch UBND huyện không được đi 1 mình
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, Nghị định 04/2019/NĐ-CP về tiêu chuẩn định mức mua sắm ô tô quy định Văn phòng UBND cấp huyện được mua 1 xe ô tô với mức giá không quá 720 triệu đồng.
Trong khi đó, công việc ở các địa phương, cơ sở rất nhiều, 1 xe không đáp ứng được yêu cầu.
Hơn nữa, với mức giá 720 triệu đồng thì hiện tại chỉ mua được xe 1 cầu, không thể đi công tác các vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi.
"Thực tế hiện nay, các địa phương phải thuê xe để đi công tác với chi phí khá cao, mà như vậy chưa chắc đã tiết kiệm mà còn lãng phí", đại biểu nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, một quy định nữa là tiêu chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện không được sử dụng xe đi công tác nếu đi 1 mình.
Vì ở các địa phương, nếu Phó Chủ tịch UBND huyện đi công tác thì phải kèm theo 2 người nữa mới được điều xe. "Có thể 2 người đi kèm không có việc gì liên quan, như thế là lãng phí", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Sửa nghị định, phải quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công hợp lý
Đại biểu cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 04.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận đề nghị, Nghị định mới phải đảm bảo sát thực tiễn nhất và đưa lại hiệu quả quản lý cao nhất, được xây dựng trên nguyên tắc bố trí xe ô tô phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phạm vi công tác của từng cơ quan đơn vị.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng căn cứ vào bộ máy cán bộ công chức, viên chức của từng đơn vị và căn cứ vào diện tích, địa hình của từng địa phương để đưa ra quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô một cách hợp lý.
Do vậy, việc tính định mức sử dụng xe ô tô công ngoài việc áp dụng việc tính bình quân chung cũng cần xét đến tính đặc thù.
Về mức giá mua xe, cần một quy định mở cho các địa phương xem xét, quyết định giá mua cao hơn không quá 15 hoặc 20% so với mức giá quy định nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương.
Đại biểu Trần Đình Gia: Cần sửa đổi quy định về xe công cho phù hợp với thực tiễn.
Định mức xe ô tô công còn cào bằng, chưa sát thực tiễn, gây lãng phí
Nêu quan điểm về việc sử dụng xe ô tô công, phục vụ công vụ, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, theo các quy định hiện hành, định mức xe công còn cào bằng, chưa sát thực tiễn.
Việc này, dẫn đến có cơ quan nhu cầu xe ít lại được bố trí nhiều. Trong khi đó có nhiều cơ quan, địa phương, địa bàn quản lý rộng, số lượng cán bộ thuộc diện được bố trí xe công phục vụ lớn nhưng lại chỉ được bố trí 1 đến 2 xe. Dẫn đến cơ quan phải thuê, mượn ô tô, ảnh hưởng đến công việc và không tiết kiệm trong chi tiêu hành chính.
Quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô công cũng vậy, theo quy định hiện hành, xe chở người sử dụng trong 20 năm. Tuy nhiên do xe công được sử dụng nhiều, nên xuống cấp nhanh. Dẫn tới chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa còn tốn kém hơn cả việc mua xe mới. Dẫu vậy vẫn bắt buộc phải sửa chữa để kịp thời đáp ứng nhu cầu công việc.
Đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh, thực chất điều này rất lãng phí, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi những quy định này cho phù hợp.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng nghị định về định mức sử dụng xe ô tô để thay thế Nghị định số 04/2019/ NĐ-CP của Chính phủ
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về quản lý xe ô tô công
Phát biểu giải trình về định mức sử dụng xe ô tô công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng nghị định về định mức sử dụng xe ô tô để thay thế Nghị định số 04/2019/ NĐ-CP của Chính phủ và quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí…
“Nghị định về chế độ, định mức xe ô tô công đang được Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành vào tháng sau.
Bộ Tài chính đã công khai dự thảo trên Cổng thông tin điện tử, đồng thời tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh nghị định”, Bộ trưởng nói.