L14 là cổ phiếu có thị giá cao nhất tam sàn tính đến thời điểm hiện tại, vượt qua Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã: VEF) - thị giá 220.000 đồng/cổ phiếu, Vinacafe Biên Hoà (mã: VCF) 249.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, đầu tháng 11, VEF tăng mạnh vượt qua VCF để trở thành quán quân thị giá mới của sàn chứng khoán khi chạm ngưỡng 258.000 đồng/cổ phiếu.
PE 146 lần, phát hành tăng vốn 2 năm vẫn "ế vốn"
Chốt phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu L14 của Công ty cổ phần Licogi 14 (mã: L14) đạt mức 291.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên sáng nay L14 đã tăng đạt đỉnh chạm ngưỡng 300.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên chốt phiên sáng L14 không giữ được sắc xanh mà rớt xuống còn 286.000 đồng/cổ phiếu.
Gần đây L14 đã có đà tăng "chóng mặt", nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Chỉ riêng từ đầu tháng 11 đến 15/11, L14 đã tăng từ mức 199.000 đồng lên mức 291.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 46%. Nếu tính từ đầu tháng 7 trở lại đây, L14 đã tăng gấp 4,2 lần từ mức 68.900 đồng. Tuy vậy, thanh khoản của L14 khá nhỏ chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn cổ phiếu mỗi phiên. PE của L14 đã vượt 146 lần, EPS đạt 1.990 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng mạnh của L14 thời gian gần đây
Licogi 14 là một thành viên của Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi - Bộ Xây Dựng, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Hiện Tổng công ty Licogi vẫn đang nắm 17,8% cổ phần tại L14.
Báo cáo tài chính quý 3 của L14 ghi nhận doanh thu bán hàng của doanh nghiệp đạt 27,9 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 12 tỷ đồng, tăng 20%. Lũy kế 9 tháng doanh thu thuần đạt 110,6 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng sau thuế tăng 72% lên mức 43 tỷ đồng.
Tuy vậy tại thời điểm 30/9/2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của L14 đã âm 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 39 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ của L14 đạt 26,6 tỷ, tăng 3 tỷ so với cùng kỳ.
L14 có tổng tài sản đạt 729 tỷ đồng, tăng hơn 210 tỷ so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 287 tỷ, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 280 tỷ, nợ dài hạn chỉ gần 6,8 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính dài hạn và ngắn hạn của L14 đạt 120 tỷ đồng.
Công ty có vốn chủ sở hữu 442 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 77 tỷ đồng.
Mới đây, L14 có báo cáo tiến độ sử dụng vốn từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng (đợt 2018). Theo đó, công ty kế hoạch giải ngân 60 tỷ vào Dự án Khu đô thị Nam Minh Phương, trong đó 40 tỷ để giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp mặt bằng 20 tỷ đồng. Công ty giải ngân 20 tỷ đồng vào Dự án Licogi 14 Plaza - khu ki ốt dịch vụ thương mại thuộc khu đô thị Minh Phương. Đồng thời công ty dành 9,9 tỷ để mua máy móc, thiết bị. Tổng số tiền từ đợt chào bán ra công chúng là 89,9 tỷ đồng.
Tuy vậy, sau 2 năm kể từ khi tăng vốn thành công cho đến nay, công ty mới giải ngân được 34,4 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa giải ngân lên tới 55,4 tỷ đồng.
Tăng vốn 2 năm nhưng đến nay L14 vẫn chưa thể sử dụng hết số vốn
Về Khu đô thị mới Nam Minh Phương tại tỉnh Phú Thọ, L14 đã liên danh với Công ty cổ phần Licogi 16 triển khai dự án.
Dù được lập quy hoạch từ lâu nhưng đến nay công ty vẫn chỉ mới hoàn thành công việc khảo sát, rà phá bom mìn, xin thoả thuận đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước… Công ty vẫn trong tình trạng chờ Bộ Xây dựng thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án giai đoạn 1- phần hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, L14 mới chỉ hoàn thành kiểm kê được 377 hộ dân phường Minh Phương và 256 hộ dân phường Minh Nông (Tp. Việt Trì) và chuyển hồ sơ xuống Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã chủ trì cuộc họp rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự án Khu đô thị mới Nam Minh Phương thuộc phường Minh Nông và Minh Phương có diện tích trên 54ha, tổng vốn đầu tư trên 2.950 tỷ đồng, tiến độ dự kiến hoàn thành quý IV/2023, đã ban hành thông báo chủ trương thu hồi đất với 754/850 hộ.
Theo đó, ông Bùi Văn Quang khẳng định: Đối với các dự án được cấp Quyết định chủ trương và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quá trình hoạt động chậm tiến độ, không đúng quy định, có vi phạm liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định có liên quan cần xem xét, đề xuất UBND tỉnh thu hồi Dự án.
ABS đánh giá năng lực vốn của L14 hạn chế
Trái với đà tăng của cổ phiếu, Chứng khoán An Bình (ABS) đã có báo cáo đánh giá kém khả quan đối với doanh nghiệp này. Theo ABS, rủi ro đầu tư với Licogi 14 đến từ việc năng lực tài chính và quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn dẫn đến hạn chế nhất định trong việc tiếp cận các dự án lớn.
"Với quy mô tài sản 511 tỷ đồng, dự án nổi bật gần nhất mà Licogi 14 từng đạt được là khu đô thị Minh Phương đã triển khai kể từ 2009 – 2010. Do vốn và năng lực tài chính chưa đủ lớn nên công ty phải dựa vào liên doanh với Licogi 16 để có thể trúng thầu dự án mới nhất là Nam Minh Phương với tổng mức đầu tư lớn hơn giá trị tài sản của Licogi 14 nhiều lần", báo cáo của ABS nêu.
Doanh thu thuần năm 2020 giảm 54,6% cùng kỳ. Trong khi doanh thu hợp đồng xây dựng ghi nhận sự tăng trưởng (44,8%), hai mảng trọng yếu khác là kinh doanh bất động sản và bán vật liệu xây dựng đều giảm mạnh, phần lớn bởi quỹ hàng tại dự án chính khu đô thị Minh Phương đã khai thác gần hết. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục thu hẹp trong năm 2020, xuống chỉ còn 41%.
Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 55,6%, còn 35,5 tỷ. Vì thế, các chỉ số về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) giảm còn lần lượt 10% và 7%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình các năm trước.
ABS cho rằng, thời gian từ 1-2 năm kế tiếp tình trạng này có thể không khả quan hơn vì ít nguồn thu từ mảng bất động sản, với dự án Nam Minh Phương mới đang trong giai đoạn hoàn tất quy hoạch, đòi hỏi một thời gian dài mới có thể đưa vào khai thác, trong khi các dự án còn lại không nổi bật. Trước mắt Licogi 14 sẽ phải phụ thuộc vào mảng vật liệu xây dựng và xây lắp, vốn có biên lợi nhuận thấp.
Mặc dù đã liên tục phát hành tăng vốn, khoảng 40 - 60% tổng tài sản của doanh nghiệp chỉ được sử dụng dưới hình thức nắm giữ ngắn hạn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các chỉ số hiệu quả như ROE và ROA giảm dần, không có được sự tăng trưởng doanh thu. ABS cho rằng Licogi đang chưa tận dụng tốt nguồn lực sẵn có để tăng cường hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô, dẫn tới tăng hiệu ứng pha loãng giá trị cổ phiếu.