Sở Công Thương TPHCM cho biết chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tháng 8 ước tăng 10,46% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng ước tăng 7,51%, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 7,64%. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 8,31%, cao hơn mức tăng toàn ngành công nghiệp.
Cụ thể, đối với ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, 8 tháng năm 2018 ước tăng 7,32%; trong đó sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,56% (cùng kỳ tăng 3,43%). Chỉ số sản xuất ngành lương thực, thực phẩm tăng cao so cùng kỳ do thị trường tiêu thụ được mở rộng, tăng trưởng khá. Trong 8 tháng, doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm ước đạt 75.542 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 119 triệu USD, tăng 14,46% so cùng kỳ năm 2017.
Đối với ngành sản xuất hàng điện tử, chỉ số sản xuất 8 tháng tiếp tục tăng gần 16% do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử,... Hiện Thành phố đang xây dựng sản phẩm chủ lực ngành hàng điện tử - công nghệ thông tin với nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí: Sản phẩm là nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Tăng trưởng ấn tượng trong 8 tháng năm 2018 đó là ngành cơ khí với chỉ số sản xuất 8 tháng ước tăng 10,13% (cùng kỳ tăng 3,4%); trong đó phân ngành sản xuất thiết bị điện có mức tăng trưởng cao và ổn định, tăng 20,66% (cùng kỳ tăng 9,42%) nhờ vào chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất đối với các công trình điện khí hóa như các sản phẩm thiết bị điện, dây cáp điện. Bên cạnh đó, các phân ngành khác tăng khá như Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 8,7%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 16,8% (cùng kỳ tăng 5,15%)…
Trong 8 tháng năm 2018, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định, đồng thời nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, thành phố đã thu hút thêm nhiều DN trong nước và các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể trong 8 tháng, công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn; trong khi đó vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2018 cũng đạt gấp 3,3 lần so với cùng kỳ.
Tăng cường kết nối với các DN FDI lớn
Để hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, TPHCM tăng cường hỗ trợ kết nối giữa các DN trong nước với các DN FDI.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết mới đây nhất (ngày 31/8), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM chủ trì phối hợp cùng Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (Sở Công Thương), kết nối trực tiếp cho 20 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia kết nối với 3 doanh nghiệp FDI lớn gồm SAMSUNG, SONION, NIDEC tại Khu công nghệ cao TPHCM.
Chương trình kết nối cung cầu bao gồm: thông tin về yêu cầu cung cấp chi tiết linh kiện và một số mặt hàng tiêu hao, kết nối cung cầu trực tiếp giữa các doanh nghiệp, tham quan phòng trưng bày các sản phẩm tìm kiếm nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI tại Khu Công nghệ cao.
Hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp giữa các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các đối tác FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối là một nhiệm vụ trọng tâm được Ban Quản lý Khu công nghệ cao phối hợp cùng Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM triển khai thường xuyên nhằm tăng cường liên kết, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Qua buổi kết nối, hầu hết các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đều đánh giá, nhà mua hàng (các DN FDI) sẽ là khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, gần 50% số DN Việt Nam tham gia buổi kết nối được các DN FDI là những người mua hàng đề nghị cung cấp bảng báo giá chi tiết cũng như đi thăm trực tiếp nhà máy trước khi đi đến quyết định hợp tác lâu dài.