Theo báo Lao động, hiện nay, thủy tùng là loài cây rừng quý hiếm thuộc "nhóm IA", loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Xét rộng ra trên phạm vi toàn thế giới thì cây thủy tùng chỉ mọc rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên gồm 162 cây.
Đó là ở tỉnh Đắk Lắk bao gồm huyện Ea H'leo 142 cây, Krông Năng 19 cây và thị xã Buôn Hồ 1 cây.
Cây thủy tùng hay còn gọi là thông nước, một loại cây sở hữu vẻ đẹp cổ kính và đầy sức sống, là một trang sử sống động về quá khứ địa chất và sinh học của Trái Đất, xuất hiện từ hơn 10 triệu năm về trước, đồng thời cùng tồn tại với loài khủng long kỷ băng hà, giờ đây lại đang đứng trước hiểm họa tuyệt chủng.
Theo Đại đoàn kết, thủy tùng là loại cây thuộc chi Glyptostrobus. Theo các nhà khoa học thì đây là một chi nhỏ của các loài cây lá kim trong họ Cupressaceae. Cây thủy tùng này mọc ở đầm lầy, nơi ẩm ướt (đây cũng là điểm khác so với các dạng thông khác). Cây thông thường mọc ở nơi cao khô ráo hay ở xứ thời tiết thấp và lạnh.
Trải qua thời gian nhất là vào thời kỳ cách đây hàng trăm triệu năm khi các loài thực vật đầm lầy bị chết do tác động của nhiệt và áp lực địa chất nên giống thông nước cũng theo đó mà hóa thành than đá. Những cây thông nước hiện còn ở nước ta và một số nước khác là những cây đã "sống sót" được qua thời kỳ biến động đó, nhưng số lượng đang giảm dần do giống cây này "vô sinh". Việc bảo tồn như hiện nay là cố gắng không để cây bị sâu mục hay bị đốn hạ.
Chia sẻ với Đại đoàn kết, anh Phạm Thanh Tuấn - Trưởng trạm bảo vệ khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước cho hay, "Cây ra hoa ra hạt thế thôi nhưng hạt đó đều không nảy mầm. Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều lần ở nhiều vị trí nhưng đều thất bại. Trước mắt thì chỉ có một cách là bảo vệ bảo tồn thôi".
"Nghiên cứu bảo tồn cây thông nước đang là một đề tài khoa học của Đại học Tây Nguyên. Các nhà khoa học lâm sinh đã nhiều lần về đây tiến hành thử nghiệm các phương pháp. Hiện kết quả vẫn còn là trông đợi".
Bài viết trên báo Đắk Nông chia sẻ, thủy tùng là loại cây thân gỗ, mọc thẳng. Chất gỗ tốt, chắc khỏe vì thế vào thời xưa thường được làm cung tên.
Lá thủy tùng có 2 dạng hình dùi dài 0,6-1,3 cm và cành sinh sản có hình vảy dài 0,4 cm. Nón cây thủy tùng có hình quả lê, mang 2 noãn, mỗi vảy mang 2 hạt dạng hình trứng dài 13mm và rộng 3mm mang cánh hướng xuống đất. Cây có thể sinh trưởng ở những khu vực ẩm thấp, sẽ cho ra gỗ thủy tùng xanh quý hiếm, nếu sinh trưởng ở nơi khô sẽ cho ra gỗ thủy tùng đỏ.
Chất gỗ của nó rất tốt, thớ gỗ mịn, đường vân đẹp, không bị mối mọt và có mùi thơm vì thế chúng có giá trị rất cao, có thể nói là "núi tiền cũng không mua nổi".
Điều kỳ lạ ở loại gỗ này là dù đã được chế tác thành sản phẩm, nó vẫn tiết ra nhựa, toát lên mùi thơm nhẹ đặc trưng như gỗ sưa, tạo nên sự độc đáo riêng có.
Thủy tùng trước đây còn được sử dụng như một vị thuốc dân gian để chữa phong thấp, giảm đau và làm săn da. Cây thủy tùng có dáng đẹp nên còn được trồng làm cảnh, hoặc trồng ven hồ ao, giúp giữ đất và chống xói mòn hiệu quả.
Cây thủy tùng thuộc loại cây khó trồng và đòi hỏi có kỹ thuật cao. Hơn nữa còn phải được người có chuyên môn tiến hành. Hiện nay, người ta sử dụng phương pháp ghép chồi lên bụt mọc là chủ yếu. Tỷ lệ thành công của phương pháp này khoảng 70%.
Chính tính quý hiếm và giá trị cao đã khiến thủy tùng trở thành mục tiêu của những vụ săn lùng không ngừng, dẫn tới sự suy giảm đáng báo động về số lượng.
Những nỗ lực bảo tồn thủy tùng đã được chính quyền tỉnh Đắk Lắk thực hiện từ năm 2011, thông qua việc phê duyệt dự án bảo tồn loài cây này. Đến tháng 8/2012, Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng đã chính thức được thành lập, nhằm mục đích bảo vệ và tái tạo quần thể thủy tùng tự nhiên tại Việt Nam.
Chia sẻ về việc bảo tồn cây thủy tùng với báo Lao động, lãnh đạo Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng Đắk Lắk cho biết, hiện nay, có 3 phương pháp nhân giống thử nghiệm cây thủy tùng đang được các cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện .
Cụ thể, ông Võ Thành Tám (cán bộ đơn vị) tự mày mò nghiên cứu, thực hành ghép được hàng chục cụm chồi qua các rễ thở của cây mẹ. Những phần rễ xung quanh cây thủy tùng mọc nhô trên mặt nước giúp cây hô hấp, hàng chục chồi non được ghép cẩn thận, phát triển xanh tốt.
Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Gia Lai cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp ươm hom thủy tùng. Cuối cùng là Tiến sĩ Trần Vinh, quyền Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu thành công phương pháp ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc.
Theo đánh giá, phương pháp ghép chồi trên cây bụt mọc của Tiến sĩ Trần Vinh có tỉ lệ cây sống đạt tỷ lệ cao, cây phát triển tốt hơn. Đến nay, sau 9 năm trồng thử nghiệm, số cây thủy tùng do Tiến sĩ Trần Vinh ghép trên cây bụt mọc trồng tại Trạm Trấp Ksor đã có chiều cao trên 5m, đường kính từ 15-25cm.
Ngày nay, nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của thủy tùng đã tăng lên đáng kể tại Việt Nam. Người dân không còn chặt phá cây thủy tùng một cách tùy tiện nữa.
Câu chuyện về loài cây thủy tùng tại Việt Nam không chỉ là một minh chứng cho sự kiên cường của thiên nhiên trước thời gian và những thay đổi của môi trường sống, mà còn là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm của con người đối với việc bảo tồn nghệ thuật và tự nhiên. Là một phần của di sản thiên nhiên, mỗi cây thủy tùng còn sót lại đều là nhắc nhở về sứ mệnh bảo tồn mà chúng ta cần chung tay thực hiện, để những thế hệ tương lai có cơ hội chiêm ngưỡng và trân trọng.
Tổng hợp