Tại Hội thảo trực tuyến "Triển khai thực hiện Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất" do IFC và UBCK tổ chức, ông Đỗ Lê Hùng, thành viên HĐQT độc lập của Vinamilk đã chia sẻ về lộ trình triển khai Bộ Nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất tại Vinamilk.
Vinamilk tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá từ 2004 và chính thức niêm yết năm 2006. Với khát vọng vươn xa của công ty, HĐQT đã có quyết định dài hơi để cải tiến quy trình quản trị, sự cần thiết phải đi trước, nâng cao khả năng huy động vốn, phát triển hệ thống trang trại, nhà máy và hệ thống phân phối. Theo ông Hùng, doanh nghiệp muốn phát triển nhanh thì phải tận dùng thời cơ nhưng phát triển bên vững phải có hệ thống quản trị tốt. Việc nâng cao quản trị tại Vinamilk được kéo dài từ năm 2010 tới nay.
Trước năm 2010, hệ thống quản lý và quản trị công ty của Vinamilk còn khá căn bản, Vinamilk chỉ có 1 phòng kiểm soát nội bộ, báo cáo trực tiếp Tổng giám đốc, và chưa thực hành quản lý rủi ro mang tính hệ thống.
Từ 2010, Ban kiểm soát yêu cầu công ty thuê tư vấn đánh giá hệ thống quản trị doanh nghiệp, kết quả đánh giá là khi đó hệ thống quản trị chưa đáp ứng nhu cầu, phòng Kiểm soát nội bộ chưa đảm bảo tính độc lập nên tư vấn khuyến nghị thành lập Phòng kiểm toán nội bộ, thiết lập tầng phòng vệ thứ ba báo cáo cho Ban kiểm soát.
Sau đó, Vinamilk đã từng bước triển khai và phát triển quản trị công ty (QTCT), như:
(i) Công ty đã thuê tư vấn để thành lập phòng Kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế.
(ii) Phòng kiểm soát nội bộ (KSNB) vẫn được duy trì và được đổi tên, nâng cấp hoạt động thành "Phòng KSNB và quản lý rủi ro (QLRR)".
(iii) ĐHCĐ 2017 đã thông qua Nghị quyết về thành lập Tiểu ban kiểm toán (nay là Uỷ ban Kiểm toán) thay cho Ban Kiểm soát. Đây là bước đi căn bản trong quản trị công ty của Vinamilk.
(iv) Tách bạch vai trò Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đã thực hiện từ 2014.
Theo ông Hùng, sau gần 10 năm hoạt động, phòng Kiểm toán nội bộ của Vinamilk đã trưởng thành và đóng vai trò quan trọng, mắt xích không thể thiếu trong hệ thống quản trị công ty và kiểm soát nội bộ. Uỷ ban kiểm toán hoạt động dựa trên quy định pháp luật mới nhất cũng như thông lệ tốt nhất, theo đó thực hiện vai trò giám sát độc lập, chuyên nghiệp và có hệ thống các lĩnh vực trọng yếu của QTCT như hệ thống kế toán, báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ, QLRR, kiểm soát nội bộ, tuân thủ và phòng chống gian lận…
Nhờ đó, mô hình 3 tuyến phòng vệ theo thông lệ QLRR và KSNB của Vinamilk được thiết lập. Theo đó, kiểm toán nội bộ báo cáo về chuyên môn cho Uỷ ban kiểm toán, chịu sự quản lý và điều hành công việc của Tổng giám đốc, đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý, kiểm soát nội bộ và QLRR.
Mô hình này cũng cho phép việc giám sát của UBKT được thực hiện trước, trong và sau khi Ban điều hành và HĐQT ra quyết định quản lý trọng yếu.
Sau khi Bộ nguyên tắc quản trị của Việt Nam ra đời, thì năm 2019 Vinamilk đã tổ chức tự đánh giá quản trị công ty so với các yêu cầu, Vinamilk đã triển khai kế hoạch hành động cụ thể đối với các nội dung có thể cải thiện hơn.
Việc tăng năng lực quản trị giúp Vinamilk luôn nằm trong top danh mục của nhà đầu tư nước ngoài, qua đó giá cố phiểu trong 10 năm tăng vượt trội so với Vn-Index
Năm 2020, theo đánh giá của HOSE về Phát triển bền vững phần nội dung QTCT của Vinamilk có kết quả chung đạt 93%, trong đó: Quyền của cổ đông đạt 88%, đảm bảo vai trò các bên liên quan 100%, công bố và minh bạch thông tin 100%, trách nhiệm HĐQT 91%, môi trường kiểm soát 88%.
Theo ông Hùng, kết quả này cho thấy Vinamilk vẫn còn nhiều room để phát triển tiếp. Hệ thống QLRR vẫn đang tiếp tục được tư vấn độc lập đánh giá để nâng cấp, hỗ trợ hiệu quả hơn cho quản trị và ra các quyết định quản lý trên toàn công ty.
Vinamilk trong Top 5 Doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hoá lớn
Việc áp dụng và phát triển quản trị công ty tiên tiến đã giúp Vinamilk đạt nhiều giải thưởng và kết quả được thừa nhận trong nước và khu vực trong nhiều năm liên tiếp. Gần đây nhất, Vinamilk được đánh giá: Là "tài sản đầu tư có giá trị của Asean", Top 3 DNNY đánh giá theo thẻ điểm quản trị công ty Asean (ACGS), đạt 3 giải nhất: Doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất (nhóm vốn hoá lớn), Báo cáo thường niên tốt nhất 2020, Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất.