Đây là câu hỏi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra sáng 6/12.
Làm thế nào để khách quốc tế khi du lịch đến Việt Nam chịu chi tiền hơn là câu chuyện đã bàn đến rất nhiều trong các cuộc bàn tròn của ngành du lịch nhưng đến nay xem ra tình hình vẫn "giậm chân tại chỗ".
Khách quốc tế "tiết kiệm" hơn khi ở Việt Nam
Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày trong khi là của Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD.
So sánh với Nhật Bản, lượng chi tiêu cho mỗi chuyến đi, người Nhật Bản chi hơn 1.500 USD cho mỗi chuyến đi trong khi Việt Nam chỉ hơn 900 USD.
Sau khi so sánh các con số, ông John Lindquist cho rằng xây dựng các hình thức để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn là cần thiết đối với ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông John Lindquist chỉ ra Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú hích về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%.
Theo ý kiến của ông John, Hội đồng tư vấn du lịch nêu ra nhiều đề xuất tốt như là bổ sung thêm quốc gia được miễn visa, mở rộng từ 15-30 ngày miễn. Visa quá cảnh tăng lên 72 tiếng - quá trình cấp Visa dễ dàng hơn. Ông cho rằng là đó đề xuất phù hợp và khuyến khích có hành động cụ thể.
Nhắc đến chính sách Visa, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Khách sạn Lodgis cho biết nhiều du khách quay lại Thái Lan vì điều kiện visa của họ tốt hơn Việt Nam.
"Cần chú trọng phát triển du lịch bền vững nếu không tỷ lệ du khách quay lại rất thấp. Bạn tôi có người 18 năm chỉ đi Phuket. Điều này cũng đáng suy ngẫm", ông Craig Douglas nói.
Đề nghị tăng chi cho quảng bá du lịch
Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như quảng bá, ông John Lindquist nói tiếp.
Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). "Trong các chỉ số đánh giá về du lịch thì đây là một trong những chỉ số Việt Nam có thứ hạng thấp nhất", vị này nói.
Chi cho quảng bá du lịch của Việt Nam trong năm gần nhất chỉ có 2 triệu USD, trong khi Thái Lan chi 100 triệu USD và mức trung bình của nhiều quốc gia khác đã đạt từ 70-80 triệu USD.
"Đây là thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua. Nếu Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu du lịch cần đầu tư hơn. Khi nhìn vào các thương hiệu du lịch đã duy trì bền vững qua hàng thế kỷ, ta có thể thấy điều cần thiết là nguồn tài chính ổn định", vị này nhấn mạnh và cho rằng chi phí cho quảng bá du lịch của Việt Nam dù không thể ngay lập tức bằng các quốc gia khác nhưng cũng cần tăng lên 20-30 triệu USD.
"Việt Nam muốn đột phá hơn cho ngành du lịch cần thay đổi căn bản chi tiêu cho quảng bá, xây dựng thương hiệu và kênh marketing. Tổ chức du lịch phải tách biệt chức năng quản lý nhà nước để xây dựng các mạng lưới văn phòng tại nước ngoài. Đây là những điểm để du lịch Việt Nam có thể tầm cao mới. Nếu đi đúng hướng tôi tin Việt Nam sẽ thành công", Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh bày tỏ.
Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Quang Tùng, Đại diện Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch cho rằng, để nâng cao quảng bá du lịch Việt Nam, Bộ đã xây dựng đề án thành lập quỹ phát triển du lịch nhằm huy động nguồn lực công - tư. Khi đi vào hoạt động, quỹ này sẽ góp phần đẩy mạnh du lịch.
Ông Tùng cũng đưa ra 3 nội dung quảng bá để xúc tiến du lịch quốc gia. Một là các cơ quan trung ương cần tập trung quảng bá du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, các công ty du lịch cũng cần chú trọng quảng bá địa phương. Sự tham gia của tư nhân vào du lịch cũng sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm tăng trưởng du lịch. Dù nguồn lực còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, quảng bá du lịch.
Tiền ít nhưng phải sử dụng hiệu quả
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, du lịch hiện được coi là ngành kinh tế đóng góp vào nền kinh tế chung của Việt Nam. Du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn.
Hôm nay, Chính phủ ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu để làm sao cho du lịch Việt Nam phát triển tốt hơn.
Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia, ông Đam thấy rằng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam nhanh so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. "Giữ được tốc độ này cũng là khó", đại diện Chính phủ cho hay.
Ông ví dụ, nếu du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy toàn bộ sản xuất kinh doanh tại vùng đó, sản xuất ra sẽ an toàn hơn, xuất khẩu cũng được trợ giúp. Đẩy mạnh homestay, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, quan trọng mang thế giới đến ngay tận gia đình người nông dân, nhất là có tác động đến các em nhỏ. Du lịch sẽ thay đổi tương lai của những gia đình này.
"Ngoài nỗ lực làm tốt vai trò của mình, những người làm du lịch có dám cùng với nền kinh tế thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hay không?
Truyền thông cũng là bài toán được đặt ra với du lịch Việt. Làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu?
Các nước có thể chỉ hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có "một số ít triệu đô la", làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả để quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam?", Phó Thủ tướng liên tiếp đặt vấn đề.
Hỏi để trả lời, theo Phó thủ tướng, công nghệ sẽ là lời giải cho bài toán này. Ngành du lịch Việt Nam có thể quảng bá tốt hơn với các công nghệ mới. Việt Nam cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành du lịch.
Ông cũng nhắn nhủ hai việc, một là phát triển du lịch cần ưu tiên chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm; hai là phải dùng công nghệ thông tin hiệu quả.