“Biến” vườn tạp thành vườn kiểu mẫu
Ông Nguyễn Thanh Hạt (ở thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc), trước đây chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Qua học hỏi kinh nghiệm về mô hình trồng cây ăn quả trong miền Nam cùng với việc tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, ông đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả. Khu vườn sau cải tạo được ông Nguyễn Thanh Hạt trồng mít, cam, sapôchê, vú sữa… cho thu nhập ổn định.
Vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Thanh Hạt ở thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) được nhiều nông dân thăm quan, học hỏi. Ảnh: Nguyễn Sung
Từ việc vận động, giúp đỡ các hộ nông dân liên kết trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cả 2 ông Nguyễn Thanh Hạt và Lư Văn Dũng đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2019 và được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen. |
Hiện, vườn cây ăn quả của vợ chồng ông Hạt có tổng diện tích 0,55ha, trồng hơn 200 cây mít, 100 cây sapôchê, 50 cây vú sữa và một số cây khác. Sau cải tạo vườn tạp, cây ăn quả cho thu hoạch, khu vườn của gia đình ông Hạt cho thu nhập gần 700 triệu đồng/năm. Không những thế, khu vườn còn tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ thành công và kinh nghiệm cải tạo vườn tạp, ông Nguyễn Văn Hạt đã vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân tại địa phương phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Ông Hạt còn đứng ra thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn do ông làm Tổ trưởng. Hiện, tổng diện tích trồng cây ăn quả của Tổ hợp tác Thái Sơn hơn 10ha.
“Việc trồng cây ăn quả mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã vận động một nhóm hộ dân có chung sở thích cải tạo diện tích vườn để trồng cây ăn quả, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Tham gia Tổ hợp tác, các hộ có thể giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả, tăng năng suất lao động, ổn định đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch…” - ông Hạt chia sẻ.
Mô hình Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn do ông Nguyễn Văn Hạt làm tổ trưởng đã chứng minh việc nông dân biết liên kết trong sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng tình đoàn kết, hỗ trợ nhau trong nội bộ nông dân. Mô hình Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn còn là cơ sở để các cấp Hội Nông dân tham khảo, áp dụng; là tiền đề quan trọng để phát triển lên thành các hình thức liên kết ở mức cao hơn như hợp tác xã kiểu mới…
Liên kết sản xuất là tất yếu, xu hướng
Mô hình nông dân liên kết sản xuất là xu hướng ngày càng phổ biến, và là xu hướng tất yếu để hạn chế sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp và dễ bị tổn thương khi thị trường nông sản biến động.
Còn nhiều mô hình liên kết giữa nông dân với nhau ở Quảng Nam mà bước đầu đã khẳng định được tính hiệu quả. Gia đình ông Lư Văn Dũng ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên trước đây sống nhờ vào 6 sào ruộng lúa, thu nhập không ổn định. Sau nhiều năm bôn ba làm thuê tại TP.HCM, ông đã tìm hiểu kiến thức trồng rau an toàn, từ đó xây dựng thương hiệu rau an toàn và nhân rộng diện tích sản xuất trên 6.000m2.
Với diện tích trồng rau khá lớn như thế, ông Lư Văn Dũng đã tiến hành trồng bí đao, bầu, khổ qua, mướp, dưa chuột, rau muống, mồng tơi... Mô hình cho thu nhập gần 600 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, ông còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông dân trong thôn cùng tham gia trồng rau an toàn và tiến hành thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn Lang Châu Bắc với 15 hộ nông dân tham gia trồng trên 4ha. Đây là một trong những mô hình liên kết giữa nông dân với nông dân mang lại hiệu quả kinh tế. Không chỉ giúp cho người nông dân nâng cao thu nhập, Tổ hợp tác còn góp phần nâng cao chất lượng và năng suất rau tại địa phương.
Từ việc vận động, giúp đỡ các hộ nông dân liên kết trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cả 2 ông Nguyễn Thanh Hạt và Lư Văn Dũng đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2019 và được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen.