Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng diện tích tự nhiên 27.040ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn vùng Đông ven biển của huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ, được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5-6-2003 và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng theo Quyết định số 43/2004/QĐ-TTg ngày 23-3-2004.
Đây là khu kinh tế mở ven biển đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khu kinh tế mở Chu Lai có nhiều khu chức năng như: Khu thương mại tự do, các khu công nghiệp, các khu du lịch và khu đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông đầu mối… Qua 15 năm triển khai thực hiện quy hoạch, phần lớn các khu chức năng của Khu kinh tế mở Chu Lai đã được đầu tư hoàn thiện đi vào hoạt động.
Nổi bật như đầu tư xây dựng 4 Khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Tam Anh và Tam Thăng với tổng diện tích trên 3.500ha (đến nay tỷ lệ lấp đầy trên 80%); phát triển du lịch, đã thu hút được 22 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 45 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD).
Trong đó có 7 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện khoảng 100 triệu USD; Khu Đô thị có quy mô khoảng 15.000ha, gồm 4 khu đô thị chính là Đô thị Nam Hội An, Đô thị An Phú – Đông Tam Kỳ, Đô thị Tam Hòa - Tam Anh và Đô thị Tam Hiệp - Núi Thành. Khu Đô thị Tam Hiệp - Núi Thành được đầu tư với tổng vốn thực hiện 132,7 tỷ đồng.
Đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 94 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,5 tỷ USD (43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, 115 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 66,7 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, có 111 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đã thực hiện 68 nghìn tỷ đồng. Trong số các dự án đầu tư có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả, THACO là doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Công ty đã xây dựng Khu phức hợp cơ khí ô tô đa dụng trên diện tích gần 400ha, gồm 30 công ty, nhà máy, giải quyết việc làm khoảng 9.000 lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh và Trung ương.
Phát biểu tại lễ công bố Quyết định Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự ra đời Khu kinh tế mở Chu Lai đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, giúp Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất, nhì của cả nước ở thời điểm chia tách (năm 1997), nay vươn lên tốp những tỉnh phát triển khá.
Thành công đó không thể không kể đến vai trò của Khu kinh tế mở Chu Lai mà trong đó có Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải (THACO) là doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng lời mời gọi của tỉnh và doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020 theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định 175/2002/QĐ-TTg, ngày 3-12-2002.
Theo ông Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO, thời gian đến Thaco tiếp tục bước vào chu kỳ đầu tư lần thứ 4 với các dự án lớn và có tính động lực như: đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126ha và đổi tên thành Khu công nghiệp Cơ khí và ô tô Thaco - Chu Lai có tổng diện tích 335ha nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch đạt trên 40% hướng đến xuất khẩu; phát triển thêm cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp.
Đồng thời triển khai xây dựng ngay Trung tâm R&D tập trung có tổng diện tích 38,6ha và tổng vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng với đầy đủ các phần mềm thiết kế, mô phỏng, tính toán động lực học và các máy móc thiết bị thử nghiệm cùng với đường thử lòng chảo và đầy đủ các loại đường địa hình dài 8km và một số các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô chính yếu. Đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng.
Ngay trong năm 2019, sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm và tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng.
Đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Cũng trong sáng nay, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, THACO đã tổ chức khánh thành nút giao vòng xuyến 2 tầng, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng do Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) xây tặng tỉnh Quảng Nam.
Dự án nút giao vòng xuyến được xây dựng tại vị trí giao cắt giữa quốc lộ 1, đường sắt bắc - nam với tuyến đường trục chính nối từ cảng Chu Lai đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được triển khai vào tháng 3.2018.
Đây cũng là tuyến đường trục ngang chính trong Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải do THACO làm chủ đầu tư.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao và bố trí nguồn vốn 200 tỷ đồng để đầu tư cầu vượt trục thông vị trí giao giữa quốc lộ 1 và đường sắt bắc - nam với đường trục chính nối cảng Chu Lai đến cao tốc. Tuy nhiên, kinh phí này chỉ đáp ứng quy mô đầu tư xây dựng 1 cầu vượt qua quốc lộ 1 và đường sắt bắc - nam. Công ty CP Ô tô Trường Hải đã chủ động đề xuất và được Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho đầu tư xây dựng Dự án vòng xuyến 2 tầng với kinh phí dự án khoảng 600 tỷ, bằng 100% nguồn vốn của doanh nghiệp.