Năm nay, nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Nam dự báo sẽ rất khó khăn do nguồn thu từ ô tô của THACO Chu Lai chiếm tỷ trọng quá lớn, trong khi chỉ số sản xuất ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giảm đến 62% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 2 vừa qua, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 4.291 tỷ đồng, đạt 17% dự toán năm 2023, nhưng chỉ bằng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Quảng Nam xác định chỉ tiêu trong năm nay thu ngân sách nhà nước đạt 26.680 tỷ đồng. Theo đó, bình quân số thu mỗi tháng theo dự toán hơn 2.223 tỷ đồng, thì con số thu 4.291 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan.
Dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng THACO Chu Lai vẫn đóng góp gần 50% nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Nam trong 2 tháng qua, cộng thêm sự tăng trưởng từ các lĩnh vực thuỷ điện, bia và nguồn lực từ hơn 9 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động thì số thu ngân sách gần 27 ngàn tỷ đồng trong năm nay không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát thực tế, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp có tỷ trọng thu ngân sách lớn, các nhà máy thủy điện, doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát, các doanh nghiệp FDI...
Ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, dự lường được những khó khăn trong năm 2023, ngành Thuế đã lên kế hoạch, phương án tăng thu bằng việc khai thác triệt để nguồn thu từ các ngành, lĩnh vực, sắc thuế còn dư địa tăng thu, chống thất thu, gian lận thuế và thu hồi nợ đọng. Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, hiện một số nguồn thu có dư địa rất lớn, như nguồn thu từ đất đai, dù trong 2 tháng đầu năm chỉ đóng góp chưa tới 200 tỷ đồng nhưng nếu kịp thời tháo gỡ những khó khăn từ những dự án bất động sản thì dự kiến sẽ đóng góp cho nguồn thu hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Hoạt động lắp ráp ô tô trong nước giai đoạn hiện nay tồn tại một số khó khăn ảnh hưởng nguồn thu của tỉnh Quảng Nam
“Chúng tôi phân tích những nguồn thu nào có khả năng tốt, những nguồn thu nào có khả năng hụt, từ đó đề ra các giải pháp. Tập trung các chuyên đề đối với các nguồn thu còn dư địa, ví dụ như chuyên đề về bất động sản, chuyên đề về giá chuyển nhượng để chống thất thu đối với các doanh nghiệp FDI, lĩnh vực tài nguyên khoáng sản”.
Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò chủ lực, đóng góp nguồn thu đáng kể cho tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó, hoạt động du lịch tiếp tục phục hồi tích cực với khoảng 430 ngàn lượt khách tham quan, lưu trú, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu từ du lịch khoảng 470 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, sớm đưa các dự án vào hoạt động; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ về chính sách, thủ tục; khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam động viên các doanh nghiệp tập trung giải pháp thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm.
Hằng tháng, Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.
Ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho rằng, với sự chủ động và linh hoạt tháo gỡ vướng mắc, địa phương luôn giữ được sự phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh miền Trung. “Năm 2018 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Nam đóng góp về ngân sách Trung ương với 10%, năm 2020 lên 14% và năm 2023 này dự kiến sẽ đóng góp về ngân sách Trung ương khoảng 18%. Đây là một kết quả rất nổi bật trong suốt chặng đường phát triển của tỉnh Quảng Nam. Những tháng đầu năm nay chúng tôi tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều câu lạc bộ được hình thành và số lượng doanh nghiệp tăng rất cao.”
Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam đạt hơn 32,5 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tỷ lệ đóng góp về ngân sách Trung ương và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh này cũng đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự lường những khó khăn chung trong năm 2023 nên tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu thu ngân sách 26.680 tỷ đồng, bằng 82% so với tổng thu ngân sách năm ngoái.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (ngoài cùng) động viên các doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Chỉ thị về tăng cường thu ngân sách, yêu cầu chính quyền địa phương, các sở ban ngành liên quan phối hợp với ngành Thuế đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam những tháng đầu năm đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các cấp, ngành và địa phương phải quyết tâm, đồng lòng vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
"Năm 2023 có nhiều nhân tố tiềm ẩn, khó dự lường được, sẽ có nhiều khó khăn xuất hiện. Quảng Nam sẵn sàng ứng phó với những thách thức nhưng vẫn tự tin đặt mục tiêu rất lớn với chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế là 9%. Chắc chắn phải nỗ lực rất lớn thì mới có thể đạt được”, ông Thanh nhấn mạnh.