Nhiều sản phẩm độc đáo
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Nam cho biết: Với mục tiêu tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp (NN) nhằm thúc đẩy lĩnh vực kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển mạnh và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân..., trên cơ sở chương trình mà Bộ NNPTNT đã phê duyệt, ngày 21.6.2017 UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo ngành NN tổ chức rà soát, báo cáo hiện trạng, đề xuất các sản phẩm địa phương, phục vụ xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030.
Gà tre Đèo Le ở Quế Sơn là sản phẩm tiêu biểu và đã được đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Đoàn Hồng
"Sự xuất hiện các sản phẩm của các xã giúp thu hút khách du lịch đông đảo hơn, tăng thu nhập cho bà con, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà ngày một đi lên...”. Ông Lê Muộn |
Theo ông Muộn, qua khảo sát và đánh giá thực trang, hiện nay tỉnh Quảng Nam là địa phương có rất nhiều sản phẩm đặc sản mang tính truyền thống, có giá trị kinh tế cao, cần được khôi phục, phát triển thành hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Qua khảo sát sơ bộ, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 160 sản phẩm, thuộc 6 nhóm sản phẩm ngành chính. Trong đó, nhóm thực phẩm có 75 sản phẩm; nhóm đồ uống có 13 sản phẩm; nhóm thảo dược có 20 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 3 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 50 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 5 sản phẩm.
“Trong đó có một số sản phẩm đặc trưng như: Sâm Ngọc Linh, ba kích tím, nấm linh chi lim xanh; tiêu Tiên Phước, tiêu rừng, chè dây Đông Giang; rượu ba kích, rượu đảng sâm, gà tre Đèo Le; mực cơm Bình Minh, nước mắm Cửa Khe; bưởi trụ, mộc mỹ nghệ Âu Lạc, Văn Tiếp; gốm mỹ nghệ đất nung Thanh Hà, Đức Hạ; đèn lồng Hội An, đúc đồng Phước Kiều...” – ông Muộn chia sẻ.
Tạo bệ phóng cho chương trình
Ông Lê Muộn cho biết thêm, để phát huy các thế mạnh cũng như thực hiện có hiệu quả chương trình, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng hỗ trợ, như: Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông, vùng Tây của tỉnh; các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nghị quyết về quy hoạch, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; nghị quyết về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam...
Quảng Nam hiện có hơn 170 tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm địa phương (14 công ty TNHH, 16 HTX, 15 tổ hợp tác, 126 hộ sản xuất - kinh doanh). Các xã sản xuất sản phẩm đặc trưng này có tổng doanh thu hơn 350 tỷ đồng/năm. |
Trước mắt, UBND tỉnh đã giao ngành NN chủ trì, phối hợp ngành Công thương và các ngành liên quan tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, xây dựng “Cửa hiệu đắt khách, sản phẩm đắt hàng” nhằm định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng. Phối hợp một số tỉnh, thành phố thiết lập các cửa hàng phân phối và bán các sản phẩm đặc trưng Quảng Nam; tổ chức các hội chợ “Mỗi xã phường, một sản phẩm” để kết nối nông sản với thị trường; hỗ trợ xây dựng các trung tâm, các điểm bán hàng OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm địa phương...
“Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm" không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn. Đó là giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Nhất là tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân địa phương...” - ông Muộn đánh giá.