-Quan điểm của Ban Điều hành khi đưa ra gói hỗ trợ 3 tỷ đồng cho startup trên địa bàn tỉnh là gì?
Chúng ta đều biết rằng đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại to lớn về người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất – kinh doanh. Chính phủ đã nhanh chóng có những giải pháp nhằm thảo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, mà cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp. Quảng Nam cũng vậy. Tỉnh thường xuyên tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. Startups đã có khăn, gặp đại dịch Covid-19 còn khó khăn hơn nhiều.
Là người trực tiếp lãnh đạo xây dựng và phát triển cộng đồng khởi nghiệp, chúng tôi đã nhanh chóng tìm cách giúp các bạn. Bởi chúng tôi tin rằng đây là trách nhiệm của mình: giúp startups vượt qua khó khăn.
Điều này sẽ giúp cho các startup nuôi dưỡng ngọn lửa khởi nghiệp để tiếp tục lan tỏa mạnh trong xã hội, cũng như là cách động viên và cùng nhau khởi nghiệp ở thời điểm khó khăn
Gói hỗ trợ cũng là cách để cộng đồng khởi nghiệp bình tĩnh hơn, không quá hoang mang.
Chúng tôi nghĩ rằng trước hết là cùng xã hội tiên phong thực hiện tốt công tác phòng dịch, chống dịch theo quy định tại địa phương, cơ sở sản xuất và gia đình mình. Sau là cùng nhau hỗ trợ trong cả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để vượt qua khó khăn, không vì khó khăn mà bỏ qua chất lượng sản phẩm. Chúng ta cũng cần xem đây là cơ hội để cấu trúc lại sản phẩm, mô hình kinh doanh. Đây cũng là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng khởi nghiệp nói riêng, trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
-Vậy nguồn kinh phí cho gói 3 tỷ này được lấy từ đâu?
Quảng Nam triển khai xây dựng Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác với các địa phương khác, trên cơ sở tích hợp tất cả các Đề án của Chính phủ và Chương trình thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, mở rộng đối tượng hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, có lẽ Quảng Nam là tỉnh đầu tiên. Các chuyên gia khởi nghiệp và các nhà quản lý gọi là mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp tích hợp.
Trong hệ sinh thái đó, chúng tôi quan tâm đầu tư xây dựng Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng xã hội hóa.
Theo đó, tỉnh có Quỹ Hỗ trợ KNST của CTCP Tập đoàn VN Đà Thành với vốn Điều lệ 50 tỷ đồng, đang hoàn tất thủ tục pháp lý để công bố Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện. Trước mắt có 5 huyện, với số tiền ban đầu hơn 5 tỷ đồng. Với Quỹ Hỗ trợ KNST cấp huyện, Quảng Nam hoạt động theo hình thức Quỹ xã hội.
Nói như vậy, để biết là chúng tôi thực hiện gói hỗ trợ 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ KNST của Tập đoàn VN Đà Thành.
-Dựa trên những tiêu chí nào để Quỹ chọn lựa các startup được nhận hỗ trợ?
Suy cho cùng, khi triển khai xây dựng Hệ sinh thái KNST thì vấn đề cốt lõi là xây dựng cho được văn hóa khởi nghiệp và các startups được hình thành, phát triển.
Chính vì lẽ đó, ngay sau khi chính thức khởi động xây dựng hệ sinh thái vào quý I/2017, chúng tôi quan tâm ngay đến việc xây dựng tiêu chí để công nhận các startups bằng cách ban hành Quyết định của UBND tỉnh về đánh giá, công nhận dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh.
Theo đó, quy định những tiêu chí khá cụ thể. Có lẽ, đây là tiêu chí về mặt nhà nước duy nhất hiện nay. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không ngừng hoàn thiện bộ tiêu chí này.
-Hiện đã có 8 doanh nghiệp đã được nhận vốn, vậy số tiền được nhận trung bình là bao nhiêu?
Gói hỗ trợ của chúng tôi là 3 tỷ đồng. Ngày 20/3 vừa qua, chúng tôi đã công bố đợt 1 cho 8 dự án. Chúng tôi đang chỉ đạo xúc tiến các đợt tiếp theo. Tôi và Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành đã thống nhất, nếu có nhiều dự án vay, chúng tôi sẽ tăng gói hỗ trợ.
Dân ta có truyền thống "Một miếng khi đói bằng gói khi no". Chúng tôi giúp là giúp thời điểm đó và phù hợp với yêu cầu sử dụng vốn của các startups.
Các startups được tham gia gói hỗ trợ này, gồm: Các dự án khởi nghiệp sáng tạo được công nhận cấp tỉnh (Quảng Nam công nhận từ năm 2018 đến 2019); các dự án khởi nghiệp của các thành viên là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Câu Lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh (Quảng Nam hiện có 11 Câu Lạc bộ). Trong đó, đối với các dự án tại miền núi, chúng tôi thống nhất hỗ trợ nhiều hơn.
-Bên cạnh những hỗ trợ về tiền, Quảng Nam còn dự kiến thêm những hoạt động để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh?
Tôi được biết, tỉnh giao Sở KHĐT đang tổng hợp để tham mưu tỉnh có những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Tất nhiên, các startups cũng được xem là đối tượng hỗ trợ.
Dưới góc độ hỗ trợ khởi nghiệp, chúng tôi hỗ trợ với quan điểm: Sử dụng có hiệu quả thời gian trong giai đoạn dịch Covid-19, tập trung vào những vấn đề còn chưa hoàn thành, chưa tốt.
Chúng tôi cùng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tư vấn, hướng dẫn các dự án đầu tư hiệu quả trong lúc khó khăn, xem đây là cơ hội để cấu trúc lại sản phẩm, mô hình kinh doanh.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh cho phép thành lập các Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp cấp huyện nhằm đưa nhanh các Quỹ hỗ trợ vào hoạt động, giải quyết khó khăn cho các dự án khởi nghiệp tại các địa phương cấp huyện…
Cảm ơn ông!