Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Mới đây, vào tháng 8-2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch tập trung cải thiện chỉ số PCI năm 2021. Động thái này khẳng định Quảng Nam đang rất quyết tâm lấy lại vị thế của mình.
Nghiêm túc nhìn nhận để cải thiện
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 5 năm liên tiếp (2015-2019), chỉ số PCI Quảng Nam đều nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Tuy nhiên, năm 2020, chỉ số PCI Quảng Nam có sự sụt giảm rất nhiều về điểm số và thứ hạng với 65,72 điểm (giảm 3,7 điểm so với năm 2019), đứng vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng của 63 tỉnh/thành phố trong cả nước (tụt 7 bậc so với năm 2019), xếp thứ 2 trong vùng duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng) và chỉ thuộc nhóm tỉnh có chỉ số khá.
Ông Hồ Quang Bửu cho rằng kết quả giảm điểm và tụt hạng của PCI Quảng Nam năm 2020 chưa tương xứng với những quyết tâm chính trị, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. Do đó, cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế và tập trung tổ chức triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI Quảng Nam trong thời gian tới. Quảng Nam quyết tâm đưa chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố chất lượng điều hành kinh tế tốt trên cả nước.
Để đạt được điều đó, tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu tổng điểm PCI năm 2021 đạt từ 69,8 trở lên. Trong đó, tỉnh chỉ đạo tập trung khắc phục và cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần bị giảm trong năm 2020, gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (trái), đi kiểm tra thực tế các dự án để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Số hóa mạnh mẽ và minh bạch
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XXII của tỉnh đã đề ra. Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã tập trung cho việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại các quy hoạch để chất lượng tốt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn và chỉ đạo tiến đến số hóa, minh bạch để mọi nhà đầu tư đều được biết và tiếp cận nhanh nhất, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư, đấu giá đất sạch, hoạt động kinh doanh nhà ở, giải phóng mặt bằng - bố trí tái định cư... Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng rà soát các dự án đầu tư để quyết định cho giãn tiến độ hoặc thu hồi, trao cơ hội cho các nhà đầu tư khác. "Tỉnh đã rất nỗ lực để 5 năm liên tục nằm trong tốp 10. Năm 2020 là năm vô cùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam nên các chỉ số đều tụt giảm. Tuy nhiên, tỉnh đã rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để quay lại tốp 10 trong năm nay và phấn đấu lọt vào tốp 5 vào năm 2025" - ông Thanh nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng để lắng nghe, giải đáp và hỗ trợ
Tỉnh ủy Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. UBND tỉnh cũng thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh. "Công tác tiếp doanh nghiệp (DN) định kỳ hằng tháng được duy trì; khó khăn, vướng mắc của DN đều được Thường trực UBND tỉnh giải quyết sáng thứ hai hằng tuần, sau khi đi thực tế kiểm tra" - ông Thanh nói và cho biết bên cạnh khuyến khích, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp cho những dự án quy mô nhỏ và vừa trải đều trên toàn tỉnh, Quảng Nam đang xây dựng những dự án chiến lược, quy mô lớn, tạo lan tỏa nhiều để trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam, nhìn nhận chính quyền tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Việc tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tính tương tác, kết nối, tạo môi trường kinh doanh minh bạch đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cộng đồng DN.
Nói không với dự án có nguy cơ ô nhiễm
Bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút DN, tỉnh Quảng Nam cũng mạnh dạn loại bỏ, từ chối các dự án có nguy cơ ảnh hướng đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Tại cuộc họp giao ban mới đây với các phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Trí Thanh đã bác đề xuất của Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, không đồng ý tiếp nhận đầu tư dự án nhà máy tái chế giấy thải làm nguyên liệu sản xuất bao bì các-tông tại khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp, do dự án thuộc danh mục các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.