Hạ tầng giao thông xuống cấp
Sau hơn 17 năm thành lập, cơ sở hạ tầng, giao thông ở Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục đầu tư dang dở, thiếu đồng bộ… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp cũng như việc thu hút đầu tư và phát triển trong thời gian tới.
Đơn cử, tuyến đường Dốc Sỏi - Chu Lai gồm 2 đoạn, trong đó, đoạn 1 thuộc tuyến đường số 3, đoạn nối tuyến từ Dốc Sỏi - Dung Quất đến vòng xoay Thiên Đàng dài khoảng 1,9 km và đoạn 2 thuộc tuyến Chu Lai- Kỳ Hà (đoạn từ vòng xoay Thiên Đàng đến ranh giới tỉnh Quảng Nam) dài khoảng 2km được đầu tư xây dựng từ năm 2003. Tuyến đường chưa được hoàn thiện mặt cắt ngang, hệ thống thoát nước theo quy hoạch.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, do trải qua nhiều đợt mưa, bão và lưu lượng phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu xây dựng các dự án lớn trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất tăng trong thời gian qua, đã gây hư hỏng nặng phần nền mặt đường.
Giao thông xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tình hình trật tự, an toàn giao thông trong khu vực. Mặc dù nhiều năm qua, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng tuyến đường vẫn chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi (Ban Quản lý), trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất có nhiều dự án lớn đang triển khai thi công xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó có nhiều dự án lớn như: Nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2…
Do đó, lưu lượng hoạt động của phương tiện vận tải trên địa bàn khu kinh tế ngày càng nhiều, dẫn đến một số tuyến đường hư hỏng nặng và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Trước tình trạng đó, Ban Quản lý đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi cho cải tạo, đầu tư các tuyến này, với tổng số tiền 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, hệ thống hạ tầng tương đối lớn nên công tác duy tu, sửa chữa thực hiện dàn trải trên nhiều hạng mục, chưa tập trung cho việc sửa chữa lớn nên chưa phát huy hết hiệu quả và chưa khắc phục triệt để các hư hỏng của tuyến đường trên.
Tại buổi kiểm tra các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, việc đầu tư nâng cấp đối với một số tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất là hết sức bức bách trong giai đoạn hiện nay.
Vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó giao UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư tập trung một số dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Dung Quất.
Trên cơ sở đề án đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh và các sở, ngành liên quan để xây dựng danh mục đầu tư công trung hạn bổ sung cho giai đoạn 2021-2025, bắt đầu thực hiện từ năm 2023.
Do vậy, yêu cầu giao Ban Quản lý nghiên cứu, lựa chọn các tuyến đường huyết mạch đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa để phục vụ cho sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất. Tổng giá trị đầu tư nâng cấp của giai đoạn 2023- 2025 dự kiến khoảng 500 tỷ đồng.
Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban Quản lý phải xây dựng đề án để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khung của Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn 2026-2030. Đặc biệt, phải dùng nguồn lực thu từ Khu kinh tế Dung Quất, tái đầu tư cho Khu kinh tế Dung Quất khi nguồn thu của tỉnh tăng lên, nhất là khi Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất bắt đầu nộp thuế nội địa cho tỉnh.
Loạt đề xuất tạo động lực cho Khu kinh tế Dung Quất
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nguồn vốn, mở ra cơ chế thông thoáng nhằm tạo động lực hấp dẫn nhà đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất.
Theo đó, hiện nay Khu kinh tế Dung Quất cần được bố trí nguồn vốn để sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối trong vùng như trục đường ven biển; đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông; nâng cao năng lực khai thác đường sắt Bắc – Nam; phát triển hệ thống cảng container và trung tâm logistic; nâng cấp một số tuyến đường kết nối sân bay Chu Lai.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất ưu tiên sớm nâng cấp sân bay Chu Lai (Quảng Nam) thành trung tâm vận chuyển hàng hóa cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đối với dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, địa phương đề xuất hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 3.000 tỷ đồng (dự án có tổng vốn 3.500 tỷ đồng). Dự án này sau khi hình thành giúp tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha để thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch.
Cùng với các tuyến Quốc lộ 1, dự án kết nối với đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, Quốc lộ 24B sẽ tạo thành hành lang kinh tế chủ đạo, thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế động lực, đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu kinh tế, đặc biệt là khu vực Cảng Dung Quất, giảm tải tuyến Quốc lộ 1.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh thu hút đầu tư các dự án, nhà máy có quy mô lớn trong lĩnh vực dầu khí; các dự án đầu tư sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí. Đây là “tổ hợp điều kiện” để sớm hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Tỉnh này cũng kiến nghị tạo điều kiện cho nhà đầu tư cần sớm khởi công dự án Nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất I và III; xây dựng các kho dự trữ quốc gia gần Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất với sức chứa khoảng 1 triệu m3/ kho để thuận lợi cho việc ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo nhân lực lĩnh vực lọc hóa dầu, năng lượng khí để đáp ứng cho việc phát triển cụm ngành lọc hóa dầu, năng lượng khí của khu vực Dung Quất và miền Trung.