Tháng 4 khi những ruộng lúa nước đã được thu hoạch xong và chuẩn bị bước sang vụ mới, cũng là lúc bà con ở các bản làng huyện miền núi Ba Tơ, mang giỏ, cầm rổ tre, nhựa rủ nhau đi bắt nòng nọc.
Người dân đi xúc nòng nọc.
Tại một thửa ruộng nằm ngay bên đường, chị Phạm Thị Du cho biết: “Nòng nọc mà bà con xúc bắt có 2 loại, trong đó (ấu trùng) của cóc da có màu đen, còn của ếch và nhái da có màu sáng. Hôm nào nhiều thì xúc được 600-800 gram, ít thì 300-500 gram/người".
Thành quả sau gần 1 ngày đi xúc bắt (ảnh Thảo Linh).
Tuy có hình dáng xấu xí và bị không ít người cho còn rằng hơi ghê khi nhìn thấy, nhưng với cộng đồng người Hre ở huyện Ba Tơ thì sau khi chế biến, con nòng nọc (ấu trùng của ếch, nhái..) là món đặc sản "sạch 100%" và có hương vị ngon hơn cả thịt lợn, bò.
Loại bỏ rạ, cỏ bị lẫn vào trong qúa trình xúc bắt nòng nọc trước khi chế biến (ảnh Emily Nương)
Theo người dân nơi đây, nòng nọc sau khi bắt về mổ bụng làm sạch, bỏ muối vào chà rửa sạch và để ráo nước rồi mới chế biến thành nhiều món khác nhau như nấu canh với rau rừng, ướp sả, ớt rồi xào, nướng…
"Không những có hương vị ngọt, giòn, béo, thơm ngậy, nòng nọc sau khi chế biến còn là món “siêu” bổ dưỡng giúp dễ ngủ, ngon giấc, đặc biệt phụ nữ sau khi sinh ăn món này có nhiều sữa cho con", Già Phạm Thị Bơ, cho biết.
Được xem là đặc sản đầy bổ dưỡng, với số lượng bắt không nhiều vì vậy nòng nọc ít khi được người dân mang đi bán, chỉ dành sử dụng chế biến làm thức ăn trong gia đình và đãi khách quý (2 ảnh dưới Emily Nương).
Do số lượng bắt được không nhiều, lại được xem là đặc sản quý như vậy nên toàn bộ nòng nọc bắt được, người dân nơi đây chủ mang về để dành sử dụng trong gia đình, hiếm khi mang ra chợ bán dù nhiều người tìm mua.