Gỡ nút thắt hạ tầng
Với vị trí địa kinh tế, địa quốc phòng, Quảng Ninh được xác định là một cực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồng, "cửa ngõ" thuận lợi nhất để vào thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Đây cũng là địa phương hội tụ đủ 5 phương thức vận tải gồm: Đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy nhưng nhiều năm trước do sự hạn chế về hạ tầng giao thông nên kinh tế - xã hội của Quảng Ninh được đánh giá là phát triển chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tuyến quốc lộ hầu hết xuống cấp, thiếu tính kết nối vùng, đường tỉnh chỉ đạt cấp IV miền núi, đường liên xã bê tông hóa chỉ đạt trên 30%, nhỏ hẹp, xuống cấp. Để đi từ TP Hạ Long đến các địa phương khu vực miền Đông, miền Tây của tỉnh, nếu đi bằng ô tô cũng mất từ 2-5h...
Bước sang giai đoạn 2010-2017, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, có nhiều ý tưởng phát triển đột phá để tự "cởi trói", tháo gỡ "nút thắt" hạ tầng giao thông. Theo đó, đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" của Quảng Ninh đã dành tổng quỹ đất lên đến 12.000ha cho phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020.
Quảng Ninh đã dành tổng quỹ đất lên đến 12.000ha cho phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020.
Từ năm 2010 đến nay, những dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng đã và đang được xây dựng thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông Quảng Ninh với nhiều dự án tiêu biểu như: Cầu Bãi Cháy, dự án nâng cấp QL18 đoạn Mông Dương - Móng Cái, Uông Bí - Hạ Long, nâng cấp QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340, 329, đường vành đai phía Bắc TP Hạ Long, QL18C, cảng Cái Lân… .
Đặc biệt, năm 2014 - 2015 Quảng Ninh đã tổ chức khởi công 5 dự án mới nguồn vốn ngân sách, đặc biệt là việc khởi công đường cao tốc nối TP Hạ Long với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Đây là dự án lớn, trọng điểm có tính chiến lược. Việc khởi công dự án này cùng với việc công bố các quy hoạch chiến lược của tỉnh đã tạo hiệu ứng lan tỏa thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Bước sang năm 2017, Quảng Ninh đã đẩy nhanh các thủ tục để khởi công Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào tháng 11/2017, khởi công Dự án tuyến đường từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn vào tháng 8/2017, khởi công cảng hành khách quốc tế Bãi Cháy - bến số 1 trong tháng 10/2017, khởi công Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả trong năm 2017. Báo cáo Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư dự án Xây dựng nút giao thông Loong Toòng, Dự án cải tạo nâng cấp QL4B, Dự án cải tạo nâng cấp QL279.
2018: Giao thông tạo đà tăng tốc kinh tế
Với hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng, năm 2018 được đánh giá sẽ là năm bứt phá mạnh mẽ cho Quảng Ninh khi chuỗi dự án gồm cao tốc nối Hải Phòng – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đưa vào khai thác trong tháng 5/2018. Cùng với Cảng Cái Lân, đây có thể coi là 3 cửa ngõ giao thông quan trọng để Quảng Ninh kết nối với quốc tế.
Cụ thể, thay vì mất 4h30’ để di chuyển bằng xe ô tô từ Hà Nội - Hạ Long, thì nay với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng - Hạ Long, thời gian di chuyển sẽ chỉ mất 1h30’. Trong thời gian tới, khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hình thành, thời gian để di chuyển đến thành phố cửa khẩu Móng Cái sẽ được rút ngắn đi rất nhiều. Đây có thể coi là tuyến hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, tạo nên sự phát triển liên vùng.
Các hạng mục cuối của sân bay Vân Đồn đang khẩn trương hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành cuối quý 2/2018.
Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là "cánh cửa bầu trời" nối Quảng Ninh với thế giới cũng đang rất được mong đợi. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô thành cảng hàng không quốc tế, tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Sun Group đã khẩn trương điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện thủ tục cấp phép, bổ sung thêm một số hạng mục theo tiêu chuẩn... Đến nay, các hạng mục cuối của công trình đang khẩn trương hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành cuối quý 2/2018.
Chưa hết, đến quý 1/2018, ngành Giao thông Quảng Ninh sẽ hoàn thành 85km đường cao tốc từ Hải Phòng (điểm cuối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) đến sân bay Vân Đồn. Phấn đấu triển khai và hoàn thành 80km đường cao tốc từ Vân Đồn đi Móng Cái. Như vậy, đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ có gần 200km đường cao tốc, đóng góp vào mục đích cao tốc hóa của Chính phủ trong tương lai. Việc phát triển bền vững và hiện đại hạ tầng giao thông được xác định là tiền đề, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Có thể nói, với hàng loạt công trình hạ tầng lớn sẵn sàng hoàn thiện trong năm 2018 đã biến Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như lời của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Văn Đọc đã khẳng định: "Với những nền tảng tạo được trong những năm qua về hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực, tổ chức, bộ máy… năm 2018 là "thời cơ vàng" cho bứt phá cho trong tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh…".