Theo đó, Quyết định 497/QĐ-BGTVT ngày 15/3/2018 của Bộ Giao thông Vận tải quy định: Cảng hàng không Vân Đồn sẽ là cảng hàng không quốc tế; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Từ nay đến năm 2020, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II, có đường cất hạ cánh (đường băng) dài 3,6km, rộng 45m; có tối thiểu 6 vị trí đỗ, công suất khai thác từ 2 – 2,5 triệu lượt khách/năm; cho phép các máy bay Boeing 777/787/747 – 400, Airbus A350 và tương đương.
Giai đoạn định hướng đến năm 2030 sẽ nâng công suất khai thác lên 5 triệu lượt khách/năm, số vị trí đỗ tối thiểu là 12 máy bay.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có các công trình phụ trợ như: Khu nhà điều hành trên khu đất rộng 6.000 m2, đài kiểm soát lưu không trên khu đất diện tích 6.270 m2, hệ thống đường dẫn, vườn khí tượng và hệ thống quan trắc khí tượng tự động. Khu phục vụ mặt đất gồm nhà ga gồm 2 modul độc lập;
Đến năm 2020 xây dựng nhà ga hành khách công suất phục vụ 2,5 triệu lượt khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 xây dựng nhà ga hành khách số 2 để nâng tổng công suất lên 5 triệu lượt khách/năm.
Nhà ga hàng hóa, giai đoạn năm 2020 bố trí khu xử lý hàng hóa trong nhà ga hành khách; đến năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất tối thiểu 51.000 tấn hàng hóa/năm.
Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn còn có hệ thống đường giao thông, các khu chức năng khác. Tổng diện tích đất sử dụng của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến năm 2020 hơn 326 ha.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Quảng Ninh là Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2015 với tổng mức vốn khoảng 7.500 tỷ đồng. Đây là cũng sân bay đầu tiên do một địa phương đứng ra tự huy động vốn đầu tư.Dự kiến, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ được đưa vào vận hành, khai thác ngay trong quý II năm 2018 này.