PAPI 2020 xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. 8 tiêu chí đánh giá gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Theo đó, năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số đánh giá trên.
Song, điểm đáng chú ý là năm nay, Quảng Ninh thăng hạng 2 bậc trở thành tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI 2020 với tổng điểm 48,811. Tỉnh này dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và Cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm).
Quảng Ninh cũng nằm trong top đầu cả nước ở tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,805 điểm), Thủ tục hành chính công (7,611 điểm), Quản trị môi trường (4,964 điểm) và Quản trị điện tử (3,14 điểm). Tỉnh này xếp ở nhóm trung bình cao ở tiêu chí còn lại - Trách nhiệm giải trình với người dân (4,793 điểm).
Kết quả PAPI 2020 của 63 tỉnh, thành phố
Xếp thứ hai trong PAPI 2020 là Đồng Tháp với số điểm 46,961 điểm. Tỉnh này dẫn đầu cả nước ở tiêu chí Quản trị môi trường với 5,202 điểm. Thái Nguyên đứng vị trí thứ 3 với 46,471 điểm. Đồng thời, Thái Nguyên dẫn đầu cả nước ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (6,216 điểm).
Trong khi đó, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM nằm trong nhóm có xếp hạng thấp. Cụ thể, Hà Nội nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có xếp hạng thấp nhất cả nước với 41,629 điểm.
Hà Nội có điểm số thuộc nhóm thấp nhất ở các tiêu chí Thủ tục hành chính công (7,169 điểm) và Quản trị môi trường (2,959 điểm). Ở nhóm tiêu chí Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Cung ứng dịch vụ công, Hà Nội cũng chỉ đạt mức điểm trung bình thấp.
Ngoài ra, TP.HCM nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có xếp hạng trung bình thấp với 41,985 điểm. Thành phố này bị đánh giá thấp ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (4,445 điểm), Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,363 điểm), Quản trị môi trường (2,82 điểm).
Xét theo khu vực, hầu hết trong số 16 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất năm nay tập trung ở khu vực Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, nhóm 16 tỉnh thành phố nằm trong nhóm thấp nhất tập trung Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Đánh giá tổng quan của PAPI qua các năm cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ liên tục được cải thiện. Đáng chú ý, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình với người dân cũng từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, điểm số của những lĩnh vực Tham gia của người dân ở cấp cơ sở và Thủ tục hành chính công cho thấy có sự giảm sút.
PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Đây là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở, được tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2020, khảo sát PAPI có sự tham gia của 14.732 người dân, số lượng đông nhất từ trước tới nay.