Dù đã vào vụ thu hoạch hơn 1 tháng nhưng mỗi ngày tại cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), số lượng ngao hai cùi, hàu… thu hoạch, vận chuyển lên cảng chỉ khoảng vài tấn. Chị Hoàng Thị Nga, một chủ thu mua ngao hai cùi đang cùng chồng vận chuyển ngao đã đóng vào các thùng xốp lên xe thồ cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch virus Corona, chưa thể xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc, nên hiện nay, ngao, hàu thu hoạch chỉ bán nội địa. Ngoài ra, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị dừng nên lượng người về Vân Đồn du xuân cũng không có. Dù giá ngao hai cùi đã giảm gần một nửa nhưng cũng rất khó tiêu thụ".
Đã vào vụ thu hoạch ngao nhưng cảng Cái Rồng, Vân Đồn vắng vẻ hơn mọi năm.
“Mọi năm tầm này, ngao, hàu bắt lên không kịp để bán, xe tải lạnh vào cảng lấy hàng còn tắc cả đường, công nhân thì làm việc ngày đêm. Vụ thu hoạch cũng chỉ kéo dài khoảng 1 tháng là bà con lại chuẩn bị giống để thả lứa ngao mới. Nhưng năm nay, do dịch bệnh, ngao không xuất khẩu được. Trong nước thì các nhà hàng cũng không có khách nên có bán rẻ cũng chẳng ai mua”, chị Nga cho biết.
Trong khi chờ ngao về, công nhân ngồi đốt củi để sưởi trên cảng Cái Rồng.
Còn theo những người nuôi nhuyễn thể ở huyện Vân Đồn, mấy năm trước thấy làm ăn rất thuận lợi, bà con nuôi ngao có lãi cao, có những hộ đầu tư 500 triệu cũng thu về trên dưới 1 tỷ đồng, thậm chí có hộ bỏ 1 đồng vốn mà thu lãi gấp 2-3 lần. Chính vì thế, từ đầu năm ngoái đến nay, tại huyện Vân Đồn đã có thêm hàng trăm hộ đầu tư nuôi ngao hai cùi, hàu dây, thưng, ngao hoa… Mỗi hộ như vậy đầu tư trên dưới 1 tỷ đồng, có hộ đầu tư hàng chục tỷ đồng. Nếu tính sơ sơ trên toàn huyện Vân Đồn, vụ ngao này có khoảng 1.000 hộ đã đầu tư nuôi nhuyễn thể (hàu, ngao hoa, ngao hai cùi...) dưới biển.
Số lượng ngao hai cùi từ biển thu hoạch về nhỏ giọt do khó tiêu thụ.
Anh Nguyễn Thành Trung, người có hơn 3ha ngao hai cùi, hàu đang nuôi trồng trên vịnh Bái Tử Long thuộc địa bàn xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, đến thời điểm hiện tại, hầu như ngao đã quá 2-3 tháng tuổi. Nếu để quá lâu, ngao già quá tuổi sẽ chết dần.
“Ước tính hiện nay lượng ngao hai cùi, hàu chưa thu hoạch tại Vân Đồn lên đến hàng chục nghìn tấn. Nhiều hộ nuôi vẫn chưa thu hoạch được gì vì để tổ chức thu hoạch phải có từ 5-6 người và tàu, thuyền, máy móc. Nếu chỉ bắt lên vài tạ thì tiền bán ngao, hàu còn không đủ để trả lương cho công nhân. Bà con chỉ biết chờ đợi như vậy không biết khi nào hết dịch. Nếu để lâu quá ngao chết thì thiệt hại kinh tế rất lớn”, anh Trung cho biết.
Trung bình mỗi ngày một hộ chuyên thu mua ngao hai cùi chỉ tiêu thụ được 2-3 tạ.
Anh Nguyễn Thành Trung cũng cho biết, do không thu hoạch nên bà con cũng không thể tiếp tục xuống giống mới cho vụ tiếp theo. Đến thời điểm hiện tại đã bắt đầu muộn vụ ngao mới cho năm tới rồi. Năm nay dự tính nếu dịch virus corona có kết thúc sớm thì cơ bản bà còn nuôi ngao không có lãi, còn nếu kéo dài khoảng vài tháng nữa thì sẽ có nhiều hộ mất trắng.
Người nuôi ngao, hàu ở Vân Đồn đang nín thở chờ sớm qua dịch viêm phổi do chủng mới của virus nCoV gây ra.
Hiện nay, ngoài ngao hai cùi, hàu đại dương cũng đang được nuôi trồng với số lượng, quy mô rất lớn trên các vùng biển của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo ông Vũ Ngọc Tiêu, người chuyên thu mua hàu để xuất khẩu cho biết, con hàu có thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 3-4 tháng, nếu không thu hoạch thì sẽ chết dần. Hiện nay không xuất khẩu được sang Trung Quốc nên người nuôi hàu thu hoạch lên phải bổ ra lấy ruột để đông lạnh. Tuy nhiên, do trên địa bàn huyện Vân Đồn không có kho lạnh lớn để lưu trữ nên bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều diện tích hàu dây đã đến tuổi thu hoạch nhưng vẫn phải chờ vì chưa thể xuất bán.
Còn theo Chi cục thủy sản Quảng Ninh, hiện chưa có thông tin về việc nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn bị dịch bệnh hay chết hàng loạt. Tuy nhiên việc người dân nuôi trồng ồ ạt, không theo quy hoạch vùng nuôi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao.
“Nếu để ngao, hàu quá tuổi mà không thu hoạch có thể sẽ dẫn đến tình trạng ngao chết và phát sinh dịch bệnh”, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Ninh cho biết.