Chia sẻ tại Hội nghị "Bảo đảm An toàn thông tin trong Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ điện tử" ngày 1/11, ông Nguyên cho biết, năm 2019, Trung tâm kiểm soát ATTT của tỉnh được xây dựng với mục tiêu xây dựng hệ thống nền tảng điều hành an ninh bảo mật đủ mạnh để giám sát phát hiện hệ thống và ngăn chặn được hầu hết các tấn công trên mạng Internet nhằm khai thác các lỗ hỏng của các ứng dụng, thiết bị trong mỗi hệ thống mạng của các tổ chức, bao gồm toàn bộ hạ tầng thông minh của đề án Thành phố thông minh tại 93 đơn vị.
Ngoài ra, cũng theo ông Nguyên, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư các thiết bị bảo mật hiện đại và có trang bị hệ thống phần mềm cảnh báo sớm các nguy cơ tấn công, hàng tuần đều có báo cáo về tình hình ATTT đối với trung tâm dữ liệu. Hiện 100% các thiết bị tại Trung tâm đều được Cục kỹ thuật nghiệp vụ II (A71) kiểm tra ATTT trước khi đưa vào vận hành và đang đầu tư nâng cấp thiết bị bảo mật cho mạng WAN của tỉnh. "100% các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, cũng như các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai mới đều được đặt tập trung tại trung tâm tích hợp dữ liệu để đảm bảo ATTT, bảo mật dữ liệu, đồng thời tận dụng tối đa hệ thống đã được đầu tư tại đây", ông Nguyên nói.
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành, Sở TT&TT đã tham mưu cho UBDN tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo CNTT và ứng cứu khẩn cấp sự cố ATTT mạng tỉnh Quảng Ninh với 29 thành viên, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành lập đội ứng cứu sự cố ATTT mạng với 65 cán bộ viên chức. "Sở TT&TT cũng thường xuyên ban hành gửi các cơ quan, đơn vị của tỉnh các lỗ hổng bảo mật và các giải pháp khắc phục; cảnh báo về nguy cơ mất ATTT... để các đơn vị chủ động phòng ngừa, ngăn chặn", ông Nguyên nhấn mạnh.
Đối với việc đầu tư ATTT tại các đơn vị, ông Nguyên khẳng định, đa số các Sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp, UBND cấp huyện, xã đều được đầu tư thiết bị tường lửa, phần mềm diệt virus có bản quyền, quản lý mạng LAN qua mô hình Server - client, phân định mạng không dây nội bộ và cho khách truy cập.
Bên cạnh đó, hàng năm, Quảng Ninh đều thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra ứng dụng CNTT của tỉnh, trong đó có nội dung kiểm tra an toàn, an ninh thông tin. Đoàn kiểm tra đã thực hiện và rà quét hệ thống mạng và trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương để từ đó đưa ra các phương hướng giải pháp khắc phục các lỗ hổng. "Hàng năm, tỉnh cũng tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các Sở, ban, ngành và địa phương, trong đó có chỉ số điểm thành phần về ATTT", ông Nguyên kết luận.
Cuối cùng, ông Nguyên cũng đã đưa ra đề xuất, kiến nghị với Bộ TT&TT và Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT quốc gia tăng cường chỉ đạo về chuyên môn, xây dựng kế hoạch hoạt động về ATTT mạng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về ATTT mạng cho các địa phương; có cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, nguồn nhân lực về ATTT mạng từ TW cho đến địa phương để điều hàng, huy động nhân lực, thiết bị khi xảy ra tình huống khẩn cấp về ATTT mạng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các địa phương về ATTT mạng.
Từ năm 2012, Quảng Ninh xác định xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công là một trong những nhiệm vụ trong tâm của tỉnh. Sau 7 năm thực hiện, nền tảng cốt lõi của Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện: Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế Tier III; hoàn thành xây dựng mạng WAN trong toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến 186 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan hành chính có mạng LAN; phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh, để từ đó có đến trên 97% văn bản điện tử được trao đổi giữa cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh; 100% các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hoá, thiết lập, theo dõi quá trình giải quyết trên mềm một một cửa điện tử liên thông...