Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với nhiệm vụ phòng chống dịch, Quảng Ninh vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển hạ tầng
Huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế, đường cao tốc, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Những năm qua, Quảng Ninh đã vẽ nên một “bức tranh” khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng.
Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ. Trong năm 2021, Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành một số dự án động lực như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km 6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)…; khởi công khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, khu du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn; thu hút đầu tư Cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh…
Quảng Ninh cũng tập trung đẩy mạnh thu hút, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các KCN: Việt Hưng, Hải Hà, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong; hoàn thành việc mở rộng giai đoạn 2 và khu nhà ở chuyên gia, công nhân của KCN Đông Mai theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ cao; quy hoạch, cơ cấu lại KCN Cái Lân... Tỉnh đang rà soát, bổ sung quy hoạch một số KCN, cụm công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh tại Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả...
Các dự án hạ tầng ngày càng hoàn thiện sẽ giúp tỉnh khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.
Cải cách hành chính mạnh mẽ
Ở khâu đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), Quảng Ninh quyết liệt xóa bỏ cơ chế “xin - cho” để xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, nhà đầu tư một cách hiệu quả, nhanh chóng. Thời gian qua, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính (TTHC). Trung bình các TTHC đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được cắt giảm tới 45% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương; 74% TTHC được giải quyết theo quy trình "5 tại chỗ" ở cấp tỉnh và có 90-100% ở cấp huyện.
Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tăng tỷ lệ người dùng. Hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã cung ứng 1.552 TTHC mức độ 3, 4 (đạt 92,99%), trong đó có 625 TTHC mức độ 4 (đạt 36%); trên 70% số người dân, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh và 99,9% ở cấp huyện.
Quảng Ninh đang là ngôi sao sáng trong CCHC của cả nước khi liên tiếp dẫn đầu về các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính. Tỉnh xuất sắc giữ vị trí quán quân 4 năm liên tiếp chỉ số CCHC (PAR-Index) và 2 năm liên tiếp Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)...
Tập trung phát triển nguồn nhân lực
Trong khâu đột phá về nhân lực, Quảng Ninh chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát triển nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng dân số, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2021 với 127 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước với gần 9.100 học viên, tổng kinh phí 30 tỷ đồng.
Tỉnh đang hoàn thiện Đề án phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025; Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh...
Tạo động lực lớn để phát triển
Những thành quả trong thực hiện 3 đột phá chiến lược đã mang đến động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho Quảng Ninh. Thời gian qua, địa phương này vẫn liên tục là tâm điểm thu hút đầu tư. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng vốn ngoài ngân sách thu hút trên địa bàn tỉnh đạt trên 276.000 tỷ đồng, gấp 5,1 lần kịch bản. Trong đó, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 24.133 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 32 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký gần 252.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp trong tỉnh dần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.030 đơn vị thành lập mới, tăng 15% cùng kỳ, tăng 2% so với kịch bản; 100 doanh nghiệp giải thể, giảm 40% cùng kỳ; 550 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50% cùng kỳ. Lũy kế đến hết tháng 6/2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 18.200 với số vốn đăng ký 190.000 tỷ đồng.
Quảng Ninh vẫn đang nỗ lực, bền bỉ thực hiện 3 đột phá chiến lược, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, là động lực, niềm tin để tiếp tục phát triển, sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP mức hai con số; GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000USD vào năm 2025…
N.H