Bộ Xây dựng nhận được Tờ trình số 4865/UBND- TTr ngày 12/7/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, phạm vi nghiên cứu của đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Hạ Long gồm 20 phường với diện tích đất tự nhiên là 277,5km2 với ranh giới phía Bắc giáp huyện Hoành Bồ, phía Nam giáp Vịnh Hạ Long, phía Đông giáp TP Cẩm Phả và phía Tây giáp thị xã Quảng Yên, TP Hải Phòng. Trong đó, các khu vực lân cận Hạ Long gồm 4 xã thuộc phía Nam huyện Hoành Bồ và 2 xã thuộc thị xã Quảng Yên.
Mục tiêu điều chỉnh lại quy hoạch của Hạ Long là nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế theo hướng phát triển bền vững, tiến tới là một đô thị thông minh, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam; Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long.
TP Hạ Long trong tương lai sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc gia có tầm vóc quốc tế với hệ thống hạ tầng, kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại là trung tâm thương mại, du lịch, cảng biển, công nghiệp giữ vai trò là một trong những đô thị hạt nhân, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ.
Quy mô dân số năm 2017 là 384.000 người; đến năm 2030 dự báo khoảng 570.000 người; đến năm 2040 khoảng 720.000 người. Nhu cầu sử dụng đất dân dụng khoảng 110 - 130m/người; đất công cộng đô thị khoảng 5 - 7m2/người; đất cây xanh 10 - 15m2/người và đất đơn vị ở là 40 - 50 m2/người.
Hiện, UBND Quảng Ninh đang tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng phát triển đô thị, xác định những tồn tại bất cập của thành phố Hạ Long để điều chỉnh quy hoạt trên cơ sở xử lý, khắc phục những hạn chế, đảm bảo việc phát triển một cách đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, có tầm nhìn bền vững của một đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cập nhật các đề xuất mới về hạ tầng như hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả; đường sắt cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, kết nối khu vực dự kiến là "đặc khu" Vân Đồn…
Về định hướng phát triển không gian đô thị, Quảng Ninh lựa chọn phương án phát triển đô thị bền vững đảm bảo khai thác tối đa không gian chức năng; xác định rõ hệ thống các khu chức năng trong đô thị, các vùng kiến trúc cảnh quan. Đồng thời đề xuất tổ chức không gian các khu chức năng, cửa ngõ đô thị, trục và tuyến không gian… hình thái kiến trúc và cấu trúc đô thị, hệ thống giao thông gắn cảnh quan và thiết kế đô thị… trong đồ án điều chỉnh này.
Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị tổ chức Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hồi tháng 4/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu và giao cho tỉnh này lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả khi Dự án hầm đường bộ vượt eo Cửa Lục, Tp. Hạ Long.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm quốc tế, năng lực để thực hiện. Dự kiến trong quý III/2018, tỉnh sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Hiện UBND tỉnh Hạ Long đã xác định 3 phương án xây dựng hầm Cửa Lục với vị trí hầm nằm ở phía hạ lưu cầu Bãi Cháy, chiều dài hầm kín vượt biển khoảng 850 m. Dự kiến, chi phí xây dựng hầm vào khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Do địa chất tham khảo tại vị trí cửa vịnh có các lớp đá vôi nứt nẻ mạnh và có dấu hiệu xuất hiện hang Karst nên UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị ưu tiên xem xét phương án hầm dìm cho kết cấu hầm chính qua vịnh Cửa Lục.
Dự kiến, tuyến đường mới qua vịnh Cửa Lục sẽ đóng vai trò là tuyến đường đô thị đi thấp, kết nối gioa thông nội đô Tp. Hạ Long với thành phần phương tiện phục vụ là xe con, xe du lịch, xe máy. Các loại xe tải, xe khách đường dài, container sẽ điều tiết qua cầu Bãi Cháy.
Bên cạnh việc giảm tải cho cầu Bãi Cháy - công trình đường bộ duy nhất kết nối khu vực phía Đông, phía Tây Tp. Hạ Long, hầm đường bộ sẽ giúp giao thông trên Quốc lộ 18 thông suốt, không bị gián đoạn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, Hầm đường bộ Cửa Lục còn tạo hướng tuyến mới kết nối đồng bộ đường ven biển từ Tp. Hạ Long đến Cẩm Phả mà không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cầu dây văng Bãi Cháy, một trong những biểu tượng kiến trúc của Hạ Long.