Sáng nay (23/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI 2017.
Báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố.
Theo kết quả lần này, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7/100. Đà Nẵng từ địa phương đứng đầu PCI 2016 đã tụt xuống vị trí thứ 2 với 70,1 điểm. Tỉnh Đồng Tháp vẫn giữ được vị trí thứ 3 với 68,8 điểm.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Long An: 66,7 điểm, Bến Tre 66,7 điểm, Vĩnh Long: 66,1 điểm.
Trong top 10 PCI 2017 chỉ ghi nhận 2 địa phương đến từ phía Bắc là Quảng Ninh – vị trí thứ 1 và Hải Phòng – vị trí thứ 9. Hải Phòng trên thực tế là sự thăng hạng vượt bậc, từ vị trí 21 năm 2016, tăng 12 bậc.
Các tỉnh như Lào Cai, vị trí thứ 5, Thái Nguyên – thứ 7 và Vĩnh Phúc – thứ 9 trong PCI 2016 năm nay đều tụt hạng, lần lượt rơi xuống vị trí 11, 15 và 12 trong PCI.
Hai thành phố đầu tàu của cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt xếp ở vị trí 8 và 13 với 65,19 điểm và 64,71 điểm. Như vậy, TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ được vị trí của mình còn Hà Nội đã tăng thêm một bậc trên bảng xếp hạng (vị trí 14 theo PCI 2016).
Chất lượng điều hành của chính quyền địa phương trên cả nước rất ấn tượng, theo ghi nhận của PCI 2017. Bởi, so với các năm trước, chính quyền đã giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghệp. Chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực.
"Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm qua", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Doanh nghiệp, từ ghi nhận cho thấy tâm lý lạc quan đã mạnh mẽ hơn. Cụ thể, 52% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp muốn thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa rất thấp, chỉ 8%.
Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp FDI. Theo đó, có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô đầu tư ở Việt Nam, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2011.
Nguyên nhân môi trường kinh doanh đã được cải thiện: thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể, những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký như BHXH, thuế, lao động đã được giảm bớt...