Dòng sông Đà được nhiều người biết đến trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân, với mặt hồ rộng, làn nước xanh biếc, nhiều đoàn thuyền tấp nập ngược xuôi chở những mặt hàng nông sản của bà con đi giao thương khắp vùng.
Bên cạnh những chiếc thuyền buôn, cũng có nhiều thuyền bé lướt sóng của các ngư dân lênh đênh trên sông nước đánh bắt cá mưu sinh, kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.
Năm 10 tuổi biết bơi cũng là lúc anh Đạo biết bắt cá sông Đà, đây cũng là thế mạnh của anh trong việc đánh bắt cá mưu sinh.
Nghề đánh bắt cá tưởng chừng như đơn giản, nhưng mấy ai hiểu được nỗi khổ dãi nắng, dầm mưa, thậm chí luôn phải đối mặt với nguy hiểm mà nhiều người ví như "đánh bạc" với "hà bá" sông Đà của các ngư dân. Kiếm được những con tôm, con cá trên dòng sông Đà không phải là chuyển dễ dàng. Những ngư dân phải am hiểu tập tính của các loài cá, thời điểm nào cá vào bờ tìm thức ăn, khi nào cá bơi ra giữa dòng. Đó là 1 nghệ thuật đánh bắt cá, không phải ai cũng biết.
Theo chân anh Hoàng Văn Đạo, bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lên thuyền, lướt trên những con sóng đánh bắt cá, chúng tôi mới hiểu nghề chài lưới vất vả, cực nhọc đến nhường nào. Nghề đánh cá trên sông Đà nói là "đánh bạc" với "hà bá" cũng đúng mà nói phải làm bạn với "hà bá" sông Đà cũng đúng.
Nếu ai không có sức khỏe tốt thì có thể say sóng và nôn mửa bất cứ lúc nào. Có những ngày mưa, vẫn phải dầm mưa vét lưới đanh bắt cá. Ăn vội miếng cơm, uống vội ngụm nước để tiếp tục công việc mưu sinh từ chài lưới.
Nhiều người cùng nghề chài lưới gọi anh Đạo là "phù thủy" đánh cá. Bởi cũng cùng 1 khúc sông đó họ cũng vét lưới, thả câu nhưng không bắt được nhiều cá như anh Đạo.
Anh Đạo kể: “Từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ đánh bắt cá, nên ít nhiều cũng hiểu về tập tính và cách di chuyển của đàn cá. Nghề đánh bắt cá rất mệt mỏi và vất vả, không phải ai cũng sống được bằng nghề này. Nhiều người giăng lưới, thả câu, bát quái... nhưng khi vớt lên thuyền lại chẳng thấy 1 con cá nào dính lưới.
"Đối với tôi, may mắn có 1 cái duyên với nghề chài lưới, cứ thả lưới ở đâu là ngày sau vớt lên cũng được vài kg cá. Nghề đánh bắt cá ngoài tự nhiên, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn kiên trì, không được vội vàng hấp tấp. Bình quân 1 ngày tôi có thể đánh bắt được 30kg – 40kg, tôi bán đổ cho các tiểu thương ở ngoài cảng Tà Hộc hoặc cho những chiếc thuyền lái buôn trên sông Đà”, anh Đạo chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Anh Hoàng Văn Qúy, xã Tà Hộc, Huyện Mai Sơn (phải), cho biết: "Tôi lặn lội trên sông nước cũng được mấy năm nay, nhưng nói về sản lượng đánh bắt cá thì không bằng anh Đạo.Tôi thấy anh Đạo rất cần cù và chăm chỉ trong việc đánh cá, đối với anh ấy 1 ngày bắt được 40kg cá là chuyện bình thường. Để săn bắt được cá cũng là 1 cái duyên nữa, chứ không phải ai cũng có thể làm được".
Để đánh bắt được nhiều cá, anh Đạo mua 16 bộ lưới với đủ kích cỡ khác nhau, 140 bộ bát quái. Sau đó anh thả ven bờ sông Đà qua đêm, ngày hôm sau mới đánh thuyền đi vớt lên. Còn 1 bộ lưới dù dài khoảng 100 m, anh dùng để vét lưới xuôi theo sông, anh Đạo dùng những viên đá buộc theo chân lưới, cứ cách khoảng 4m anh buộc 1 viên. Sau đó dùng can 5 lít buộc so le trên mắt lưới, để cho lưới chìm lơ lửng giữa dòng sông. Với cách làm này, anh vừa tránh được thuyền buôn và các thuyền bé khác di chuyển trên sông làm đứt lưới, vừa bắt được nhiều cá hơn.
Cá sông Đà như cá ngạnh, cá thiểu, cá lăng có chất lượng thịt săn chắc, nên được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Anh Hoàng Văn Đạo chia sẻ: “Tôi vét lưới xuôi theo dòng nước chảy, cứ khoảng 2 tiếng đồng hồ tôi mới nhấc lưới lên thuyền xem, rồi mới làm mẻ vét tiếp theo. Mỗi ngày tôi thường lên đến khúc sông ở xã Tạ Bú, huyện Mường La vét xuôi đến xã Vạn Yên thuộc huyện Phù Yên mới dừng...".
Anh Đạo dí dỏm nói thêm: "Tôi được cái là trời thương, có lần xem lưới thấy những con cá to từ 5 lạng – 8kg đều mắc ở lưới. Cảm giác của tôi lúc đó sung sướng lắm. Cuộc sống đánh bắt cá không giàu như làm các nghề khác, nhưng cũng đủ chi phí và nguồn thu nhập lo toan cuộc sống và nuôi con cái ăn học. Nhờ có nghề đánh cá này mà tôi đã xây được ngôi nhà khang trang, cuộc sống như vậy là ấm cúng và đủ đầy rồi”.
"Làm nghề đánh cá đêm hôm giữa đất trời bao la, mênh mông sông nước chẳng có người, chỉ có mình làm bạn với mọi thứ xung quanh”, anh Hoàng Văn Đạo bộc bạch.
Hàng ngày đều lênh đênh trên sông nước đánh cá, nhiều người hỏi anh Đạo sao không nuôi cá lồng như ở huyện Quỳnh Nhai, Mường La và tỉnh Hòa Bình. Anh Đạo nói, "Tôi cũng muốn nuôi cá như các vùng khác cho nhàn nhã, nhưng khổ nỗi vùng lòng hồ ở đây mực nước lên xuống thất thường. Cứ đến tháng 2 – 8 dương lịch là mức nước bỗng tụt sâu và đục lắm, lúc đó trở tay không kịp thì chỉ nhìn "hà bá" ăn cá của mình nuôi mà thôi...".
Đối với những ai làm nghề đánh cá cũng đều hiểu, mùa nước tụt sâu, cũng là thời điểm đánh bắt cá dễ nhất và được nhiều nhất. Còn mùa nước dâng thì nước trong xanh, giăng lưới bắt cá khó lắm. Lúc đó thu nhập của ngư dân như anh Đạo lại gặp khó khăn, đánh bắt cá không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có lúc gặp sóng to gió lớn cũng nguy hiểm lắm...
Có thời điểm anh Đạo dong duổi trên sông Đà đanh bắt cá từ 2 – 3 tháng mới về nhà.
Đối với anh Đạo, nghề đánh cá như là phao cứu sinh nuôi sống cả gia đình. Dù anh được bố mẹ cho đất làm nương rẫy, nhưng ngô sắn thì giá cả thấp, tiền bù lỗ phân bón nhiều hơn tiền lời, chính vì vậy anh đã bỏ hoang đất được vài năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Đạo cho biết: “Ở sông nước nhiều nên tôi cũng quen rồi, giờ cho tôi làm nương rẫy cũng không làm được nữa. Để tăng nguồn thu nhập, có thời điểm tôi thả lồng bát quái và vét lưới xuôi dòng sông cả ngày lẫn đêm. Bình quân 1 ngày tôi đánh bắt được từ 30 – 40kg cá các loại như: Cá ngạnh, cá ngáo, cá vền, cá măng, tôm, chép, trôi... Sau khi trừ tiền xăng dầu tôi lãi hơn 1 triệu đồng/ngày”.
Nghề đánh bắt cá từng có thời gian mang lại cho nhiều người dân ở lòng hồ, thuộc xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn cuộc sống khá giả, xây được nhà cao cửa rộng, nhưng nay chỉ còn lại số ít những người còn giữ lấy nghề. Giờ đây có thêm thuyền máy giúp việc đánh bắt trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên tình trạng nhiều người dân ở nơi khác đến đánh bắt bằng kích điện khiến lượng cá sông Đà tự nhiên giảm đi, nhiều loại cá ngày càng hiếm. Thế nhưng vẫn còn những người như anh Đạo và những người săn cá khác, hàng ngày cần mẫn dùng thuyền buông lưới trên sông Đà, với những chiến tích như một “bản hùng ca trên sông” làm nên khúc ngân tuyệt đẹp trên dòng sông đổ ra biển lớn. |