“Quấy rối tình dục phạt 200.000 đồng, đổi 1 USD phạt 90 triệu’

23/03/2019 09:03
Đây là ví dụ được nhiều ý kiến chuyên gia pháp lý nhắc tới khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những bất cập trong các quy định pháp luật. Các chuyên gia cũng kiến nghị cần tách bạch giữa bộ phận làm chính sách và bộ phận thực thi chính sách để tránh xung đột lợi ích, cài cắm chính sách.


LTS: Ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2019, trong đó nhấn mạnh: Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới; các Bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian qua luôn được chú trọng và đã đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn. Báo điện tử Chính phủ đăng tải loạt bài viết đề cập vấn đề này.

Các ý kiến chuyên gia đều nhấn mạnh vai trò của quy trình xây dựng, ban hành chính sách, vai trò của việc lấy ý kiến người dân và chất lượng đội ngũ cán bộ làm chính sách như những nguyên nhân quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng văn bản, chính sách.

“Quấy rối tình dục phạt 200.000 đồng, đổi 1 USD phạt 90 triệu’ - Ảnh 1.
Các văn bản, chính sách có chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội.

Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “thể chế là số một”, cần đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị quá trình xây dựng các văn bản cần sự tham gia nhiều hơn của các chuyên gia về pháp luật, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. “Có những góp ý rất hay nhưng cơ quan soạn thảo không tiếp thu vì nhiều lý do, hoặc có tiếp thu thì người soạn thảo lại không đủ trình độ để thể hiện vào dự thảo”, ông Đức nêu thực tế.

Sau vụ việc phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của vụ việc và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mới nhất, trước vụ việc sàm sỡ nữ sinh tại Hà Nội, ngày 22/3, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vụ việc. Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.


Điều này dẫn tới nhiều bất cập trong các quy định của pháp luật, không chỉ trong các dự thảo bị phản ứng như vừa qua mà còn trong nhiều văn bản đã có hiệu lực. Nhiều quy định bị phản ứng như “bán dâm quá 4 lần bị cho thôi học” hay “thỏ không được ăn cà rốt” thực tế đã có mặt trong các văn bản trước đây.

Một ví dụ rất thời sự khác là vụ “cưỡng hôn” - có thể coi là quấy rối tình dục - chỉ bị phạt 200.000 đồng là mức kịch khung, trong khi các nước phạt tiền rất nặng, thậm chí phạt tù. Mức phạt 200.000 đồng với hành vi cưỡng hôn chỉ phù hợp với 20-30 năm trước.

Rồi quy định uống rượu lái xe bị phạt 16-18 triệu đồng, nhưng đi ngược chiều trên cao tốc chỉ bị phạt 5-6 triệu đồng. Đặc biệt, quy định mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt 80 triệu đến 100 triệu đồng, bất kể đổi 1 USD hay 100 USD.

Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. “Một lỗi nghiêm trọng hơn có thể kể đến là lỗi không hợp lý. Như trường hợp xử phạt đến 90 triệu đồng một người dân đi đổi 100 đô la Mỹ, nhưng lại phạt 200 nghìn đồng hành vi quấy rối tình dục. Những ví dụ như vậy rất nhiều và cần phải được chỉnh lý”, ông Đức nói.

Bên cạnh đó, Luật sư Đức cho rằng nhiều phản ứng của dư luận cũng không hẳn chính xác, không hợp lý. Như vụ “cưỡng hôn” bị xử phạt 200.000 đồng, vấn đề không nằm ở khâu thực thi mà ở quy định.

“Tiêu chuẩn nước mắm cũng cần chứ không phải buông hết, vấn đề là nội dung, cách thức thể hiện thế nào. Điều kiện kinh doanh cũng vậy, như dự thảo đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng có quy định quán karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa, trụ sở cơ quan nhà nước 200m. Nhưng quan trọng là cách âm thế nào chứ không phải là bao nhiêu mét”, ông Đức đưa quan điểm.

Giải pháp căn cơ để chống cài cắm chính sách

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong khi Chính phủ, Thủ tướng đang hết sức quyết liệt trong cải cách hành chính, cải cách và hoàn thiện thể chế, thì các văn bản, chính sách trái luật, không phù hợp khiến xói mòn niềm tin của người dân và dư luận. “Mất mát về mặt xã hội, về quản trị nhà nước là rất lớn mà chúng ta không đo lường được, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội giúp việc kết nối các cá nhân trong xã hội hết sức nhanh chóng và rộng rãi”. Do đó, cần phải chấm dứt ngay tình trạng này.

Về nguyên nhân, chưa nói đến những vấn đề như đánh giá tác động, tính toán hiệu quả quản lý, chi phí tuân thủ…, trước hết, phải nhắc đến những hạn chế trong kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, hiểu biết thông thường của một số cán bộ tham gia xây dựng chính sách. “Nên họ không nhạy cảm trước các vấn đề của đời sống, như ai cũng biết có thể nuôi thỏ bằng cà rốt”.

Cùng với đó là cách tiếp cận không hợp lý, chẳng hạn thay vì ban hành danh mục cấm thì lại ban hành danh mục được phép. “Hơn nữa, thịt gà cũng có thể làm thức ăn cho lợn, vấn đề là không được phép có những chất độc hại nào đó với một hàm lượng nào đó. Chỉ nên cấm những chất độc hại đó thôi, chứ không thể cấm một sản phẩm cụ thể”, vị Viện trưởng đưa quan điểm.

Một cách tiếp cận không hợp lý khác là tạo ra các hàng rào thủ tục hành chính để xử lý các vấn đề, như trường hợp thông tư về nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, rào cản bằng thủ tục hành chính là rào cản kém hiệu lực nhất và rất dễ nảy sinh bôi trơn, chạy chọt, xin cho.

“Rồi tôi nhớ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhắc đến tình trạng cần chấn chỉnh là “công việc to do ông nhỏ làm, công việc nhỏ do ông to làm”, tức là nghiên cứu soạn thảo chính sách thì do chuyên viên mới ra trường làm, đến lãnh đạo cấp vụ thì chỉ đọc ký trình. Đó cũng là một nguyên nhân”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế - xã hội.

Theo đó, văn bản trái luật thường có tác động “tiêu cực đa chiều”, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

“Về lâu dài, văn bản trái luật không được xử lý kịp thời sẽ làm mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”, Bộ Tư pháp cảnh báo.

Bên cạnh đó, có những chính sách được hình thành dưới tác động của những nhóm lợi ích, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhắc nhở là “cài cắm” chính sách.

Về giải pháp, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng giải pháp căn cơ nhất là cần bố trí, cơ cấu lại bộ máy, bộ phận làm chính sách phải tách biệt bộ phận thực thi chính sách, bởi nếu các vụ, cục thực thi đồng thời làm chính sách thì dễ dẫn đến cài cắm lợi ích, giữ thẩm quyền cục bộ.

“Nhiều người nói các vụ, cục hiểu thực tiễn, nhưng không hẳn, nhiều khi họ chỉ hiểu rõ cái thực tiễn phục vụ lợi ích của họ thôi, chứ không hiểu cái thực tiễn mà người dân và doanh nghiệp cần”, ông Cung nói.

Trên thực tế, việc tách biệt chức năng này đã có tiền lệ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi chính CIEM đã chủ trì xây dựng nhiều văn bản, kể cả luật và nghị quyết của Chính phủ. “Nếu các Bộ vì lợi ích chung thì hoàn toàn có thể giao việc xây dựng, soạn thảo chính sách cho các đơn vị không thực thi chính sách, như các viện nghiên cứu hay bộ phận pháp chế”.

“Tất nhiên, cũng cần nâng cao chất lượng cán bộ, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản, nhưng trước hết phải bắt đầu từ nguyên lý, trước hết phải tách bạch chức năng để không còn xung đột lợi ích nữa. Đồng thời, khi ban hành các văn bản chất lượng thấp, thậm chí trái luật, cần thuyên chuyển công tác các cán bộ soạn thảo các văn bản đó”, ông Cung nói.

Cũng theo vị chuyên gia, trong bối cảnh cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi chức năng kiến tạo của nhà nước tăng lên, thì bộ phận tư duy, làm chính sách phải tăng lên, đồng thời bộ phận thực thi chính sách phải giảm đi vì chức năng “cầm tay chỉ việc” hay “làm thay” của nhà nước giảm đi.

“Khi gặp các vấn đề, trước hết hãy dùng các giải pháp thị trường, sau đó nếu còn lỗ hổng mới dùng đến giải pháp hành chính. Chẳng hạn, việc gì phải can thiệp, phải cấm các xe hợp đồng chỉ được đón khách chỗ này, chỗ kia mà không cho đón từng khách tại nhà. Đấy là yêu cầu của thị trường, nhu cầu chính đáng của người dân”, ông Cung đưa ví dụ cho thấy những lúng túng trong việc soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được Bộ GTVT tiến hành.

Cần đội ngũ thẩm định chuyên nghiệp hơn

Còn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng luật hiện hành đang trao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho nhiều cơ quan, trong khi trình độ đội ngũ cán bộ trong việc phân tích chính sách, xây dựng văn bản và đánh giá tác động còn hạn chế, trình độ của các cán bộ tại các cơ quan thẩm định cũng còn không ít bất cập.

“Một trong những vấn đề vướng mắc nhất là các cán bộ thẩm định thường xuyên thay đổi, thường cứ mấy năm lại chuyển đi công việc khác, trong khi ở các nước, đội ngũ cán bộ thẩm định hoạt động rất chuyên sâu, thậm chí tới 20, 30 năm”, ông nói.

Theo Luật sư, các văn bản này không chỉ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, an ninh xã hội, làm chậm lại quá trình cải cách hành chính, tạo ra tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh với nhà đầu tư”, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân vốn đã được Hiến định.

Việc ban hành văn bản trái pháp luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; ảnh hưởng đến trật tự, kỷ cương trong ban hành, thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Do vậy, các đơn vị cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

“Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn còn một số vướng mắc bất cập. Việc phát hiện những văn bản trái luật chưa kịp thời, trong khi đó khi xử lý một số văn bản trái luật, nhất là khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản vẫn còn hạn chế. Chúng ta phải xử lý theo hướng xem xét trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân ban hành văn bản trái pháp luật. Chúng ta có chế tài, nhẹ thì xử lý kỷ luật, xử lý hành chính và thậm chí là xử lý hình sự”, ông nói.

(còn tiếp)


Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
3 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
3 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
2 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
2 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
2 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc tự đẩy mình vào 'thời khắc sinh tử': 300 startup xe điện chỉ còn 7 hãng lớn có thể tồn tại, chiến trường xe điện khốc liệt hơn bất kỳ lúc nào
10 giờ trước
Chỉ những công ty có thể duy trì hoạt động mà không cần đến nguồn tài trợ bên ngoài mới có thể tiếp tục cuộc đua, trong bối cảnh nỗi lo về tình trạng dư thừa công suất luôn rình rập.
SUV điện cỡ lớn Hyundai Ioniq 9 chính thức ra mắt: Tầm di chuyển 620 km, đấu trực tiếp với VinFast VF 9
20 giờ trước
Mẫu xe này sẽ được bán tại Mỹ, Hàn Quốc từ đầu năm 2025 trong khi các thị trường khác phải đợi đến cuối năm.
Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm
21 giờ trước
Cá thể cổ thụ này được xếp hạng là Cây Di sản Việt Nam.
HIIVE by fusion: Ưu đãi mùa lễ hội dành cho doanh nghiệp tại Bình Dương
21 giờ trước
Doanh nghiệp phát triển, việc giữ chân nhân tài và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, tận tâm ngày càng trở nên thách thức. Lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện hay nơi nghỉ dưỡng cho nhân viên không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn là chiến lược khẳng định vị thế và nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự.