“Tiên phong đột phá”
Khi nói về đổi mới sáng tạo của Thụy Điển, người ta biết đến Skype, Spotify hoặc dây đeo an toàn ba điểm trên ô tô. Những phát minh sáng tạo này đã tạo nên sự khác biệt trong đời sống hàng ngày trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, quốc gia Bắc âu đang hướng tới những mục tiêu không tưởng, phát triển những ý tưởng dường như bất khả thi nhằm tạo ra thay đổi đột phá trong bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn trong nhiều ngành công nghiệp vốn nổi tiếng tạo ra nhiều phát thải.
Những thành tựu tiên phong đột phá của Thụy Điển đã được chia sẻ với Việt Nam trong sự kiện có tên “Tiên phong đột phá”, diễn ra trong khuôn viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhân kỷ niệm 53 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển.
Chương trình “Tiên phong đột phá” do Đại sứ quán Thụy Điển, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden) phối hợp cùng với các đối tác Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác Thụy Điển - Việt Nam về lĩnh vực phát triển bền vững.
Ảnh: Đại sứ quán Thuỵ Điển
Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe, nhấn mạnh: ''Là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Thụy Điển có các kinh nghiệm thực tiễn - và các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ - để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Thụy Điển đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”.
Vì vậy, Thụy Điển muốn mang những kinh nghiệm mà mình có đến với Việt Nam thông qua “Tiên phong đột phá”. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 53 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Thụy Điển-Việt Nam (1969-2022).
Đại sứ Måwe nhấn mạnh "Chúng tôi muốn thúc đẩy và tạo điều kiện để hai nước Thụy Điển-Việt Nam cùng sáng tạo để cùng hướng tới xã hội phát triển bền vững, kiên cường và thịnh vượng trong tương lai, dựa trên mối quan hệ đối tác truyền thống hữu nghị, hợp tác trong hơn nửa thập kỷ qua".
Những tham vọng xanh khiến thế giới “trầm trồ”
Các chủ đề trọng tâm của chương trình bao gồm năng lượng bền vững, sản xuất bền vững, tiêu dùng và sử dụng nguyên phụ liệu bền vững cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của một nền kinh tế tuần hoàn.
Dù dân số chỉ gần 10 triệu người nhưng Thụy Điển vẫn luôn là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã tạo ra số lượng kỳ lân (công ty công nghệ tỷ đô la) cao thứ hai trên thế giới tính theo bình quân đầu người. Theo OECD, cứ 1.000 lao động thì có đến 20 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) ở Thụy Điển.
Môi trường là một trong những vấn đề rất được Thụy Điển quan tâm. Họ tìm cách mang phát triển, sản xuất bền vững tới tất cả các ngành công nghiệp, từ luyện kim, xây dựng tới nông nghiệp, năng lượng.
Triển lãm “Tiên phong đột phá” mang đến cho người xem những khát vọng tạo ra những phát minh về vận tải có thể “Nhanh, mạnh và thân thiện với tương lai”.
Trong những bước đầu để đạt được mục tiêu này, Thụy Điển đã có các hình thức khen thưởng cho các loại xe hạng nhẹ mới thải ra một lượng CO2 tương đối nhỏ và phạt nặng các loại xe gây ô nhiễm với mức thuế cao hơn trong ba năm đầu.
“Ý tưởng tươi sáng từ cánh đồng đến khu rừng” là mong muốn của Thuỵ Điển về kinh tế sinh học. Mục tiêu của quốc gia này về nông nghiệp là không phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 và giảm một nửa lượng khí thải CO2 từ các chuỗi giá trị rừng giai đoạn 2018-2030.
Về số hóa, chương trình cho biết sứ mệnh của quốc gia Bắc Âu là trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc nắm bắt cơ hội loại bỏ cacbon nhờ những giải pháp kỹ thuật số mang lại. Ra quyết định dựa trên dữ liệu, hướng đến một nền kinh tế chia sẻ và tự động hóa để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên là ba mục tiêu cốt lõi.
Đối với công nghiệp nặng, người xem có thể sẽ phải trầm trồ trước mong muốn “Đột phá hướng đến cacbon thấp”. Các nhà sản xuất bê tông của Thụy Điển đặt mục tiêu giảm một nửa lượng phát thải trong quá trình tạo ra bê tông xây dựng vào năm 2023. Liệu một ngôi nhà có thể được thiết kế và in 3D trong vòng chưa đầy hai tuần? Bởi nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ sử dụng ít bê tông hơn bình thường và không tạo ra phế thải.
Thụy Điển hướng đến sản xuất 100% điện không phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch và năm 2030 khi nói về điện cho tương lai. Quốc gia này mong muốn sử dụng, tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn 50% vào năm 2030 so với năm 2005. Trên thực tế, 40% tổng số ô tô mới được bán ở Thụy Điển vào năm 2021 là xe chạy điện. Và phần còn lại ngày càng có nhiều xe chạy bằng nhiên liệu sinh học.
Về thời trang, Thụy Điển hướng đến việc “Không cacbon trở thành thời trang”. Nước này đã thành công trong việc quy trình OnceMore, tức là đưa cellulose gỗ thêm vào quy trình nghiên cứu để tạo ra bột giấy hòa tan có thể được sử dụng để sản xuất quần áo mới và các sản phẩm dệt khác. Không chỉ là về quần áo mới, quốc gia tham vọng này còn muốn làm mới cả quần áo cũ, với minh chứng rằng thời trang, tái chế và độc quyền đều có thể đi đôi với nhau.
Việc “Tiên phong đột phá” được tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, một trong những đại học hàng đầu Việt Nam, cũng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn tầm quan trọng của bảo vệ môi trường cũng như tiềm năng đột phá công nghệ bền vững tới với thế hệ trẻ ở Việt Nam.