Theo Forbes, Apple đã gửi thư mời cho sự kiện quan trọng - ra mắt iPhone 16 cùng các mẫu Apple Watch và AirPods mới - vào 10 giờ ngày 9/9 (tức 0 giờ ngày 10/9 theo giờ Việt Nam) tại Nhà hát Steve Jobs trong khuôn viên trụ sở chính của Apple ở TP Cupertino (California, Mỹ).
Đây được coi là sự kiện quan trọng bậc nhất dịp cuối năm trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu và là cơ hội thúc đẩy doanh số của Apple trong năm tài chính này. Đây cũng là lúc nhiều người đặt câu hỏi về chiến lược sản xuất của Apple trong bối cảnh chuỗi cung ứng có sự biến động mạnh thời gian vừa qua.
Và theo nguồn tin Nikkei có được, Apple đã bắt đầu sản xuất hàng loạt dòng iPhone mới, bao gồm cả dòng Pro, tại Ấn Độ chỉ vài ngày sau khi bắt đầu sản xuất các thiết bị cầm tay cao cấp này tại Trung Quốc. Nếu thông tin này là thật, điều đó nhấn mạnh nỗ lực của gã khổng lồ công nghệ Mỹ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Nguồn tin của Nikkei tiết lộ, ngoài nỗ lực cấp bách của Apple nhằm giảm thiểu sự bất ổn về địa chính trị, động thái này cũng phản ánh sự tiến bộ về mặt công nghệ mà mạng lưới cung ứng của Ấn Độ đã đạt được trong những năm gần đây.
Trước đây, Trung Quốc đã sản xuất các mẫu iPhone mới nhất và cao cấp trong khi các nhà cung cấp tại Ấn Độ chỉ nhận được đơn đặt hàng cho các phiên bản cấp thấp hơn hoặc cũ hơn. Nhưng điều đó đã thay đổi gần đây khi Apple tìm kiếm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng lớn hơn.
Theo các cuộc kiểm tra chuỗi cung ứng, khoảng 30 triệu chiếc iPhone đã được lắp ráp tại Ấn Độ vào năm ngoái, trong khi chỉ riêng trong nửa đầu năm 2024, có khoảng 18 triệu chiếc được sản xuất tại quốc gia này. Những thiết bị này không chỉ dành cho thị trường Ấn Độ mà còn được xuất khẩu - chủ yếu là sang Mỹ.
"Ấn Độ là một thị trường cực kỳ thú vị đối với chúng tôi và là trọng tâm chính", Tim Cook từng khẳng định.
Ivan Lam, một nhà phân tích của Counterpoint Research cho biết Ấn Độ đã được hưởng lợi khi là một trong những địa điểm lắp ráp điện thoại thông minh chính bên ngoài Trung Quốc. Nhiều thương hiệu lớn đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất và khai thác thị trường Ấn Độ.
"Tuy nhiên, trong vài năm tới, tăng trưởng của Ấn Độ chủ yếu sẽ giới hạn ở việc lắp ráp sản phẩm cuối cùng", ông Lam cho biết. "Việc sản xuất các linh kiện điện tử và cơ khí có giá trị hơn vẫn tập trung ở Trung Quốc. Bất chấp sự tiến bộ của Ấn Độ, hiệu quả, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của nước này vẫn chưa thể hoàn toàn sánh kịp với Trung Quốc".
Có nhiều bằng chứng cho thấy, sự thay đổi cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn suôn sẻ. Các nguồn tin cho biết mặc dù đã đạt được thành tựu đáng kể trong năm nay, phần lớn iPhone gần đây vẫn đang được lắp ráp tại Trung Quốc do đường cong học tập dài hơn (learning curve - thường được sử dụng để đánh giá tiến bộ cá nhân/hiệu suất tổ chức trong một thời gian dài) và quá trình chuyển giao các nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng sang Ấn Độ chậm hơn dự kiến. Những người này cho biết, việc nhập khẩu nhân sự và thiết bị từ Trung Quốc cũng phải chịu sự sàng lọc chặt chẽ hơn, khiến việc đa dạng hóa trở nên khó khăn hơn.
"Trong quá trình ra mắt sản phẩm, Apple có xu hướng ưu tiên tính ổn định của chuỗi cung ứng. Phần lớn các mẫu iPhone cao cấp nhất vẫn được phân bổ ở Trung Quốc để đảm bảo chuỗi cung ứng diễn ra suôn sẻ trước sự kiệnBlack Friday", một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asia.
Young Liu, chủ tịch của Foxconn, nhà cung cấp iPhone chính, gần đây cũng đã khẳng định hiệu suất của công ty mình tại Ấn Độ, nói rằng năng suất sản xuất chung tại quốc gia này "chắc chắn cao hơn 50%", sau khi một số báo cáo gần đây của phương tiện truyền thông cho rằng con số này thấp hơn mức đó. Ông Liu cho biết Foxconn đã rời khỏi quốc gia này nếu năng suất yếu như những báo cáo đó, nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Trung Quốc, Apple đã chuyển trọng tâm sang thị trường khổng lồ ở Ấn Độ, nơi công ty ghi nhận mức tăng trưởng 19% theo năm về lượng hàng xuất xưởng trong quý đầu tiên của năm 2024. Công ty cũng tạo ra doanh thu kỷ lục tại Ấn Độ trong quý kết thúc vào ngày 30/3. Ở phân khúc cao cấp - nơi chiếc điện thoại có giá hơn 800 USD - Apple kiểm soát 69% thị trường, so với 31% của Samsung Electronics.
Apple hiện không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Theo: Nikkei