Hôm nay 7/7, Fiji bắt đầu phân phát hàng hóa cho một số hộ gia đình khi quốc gia này kêu gọi người dân ở nhà để phòng chống COVID-19, Reuters đưa tin.
Các nhà chức trách Fiji đăng ảnh lên mạng xã hội cho thấy những túi đồ dùng thiết yếu - bao gồm thực phẩm đóng gói và giấy vệ sinh - được chuyển đến các hộ gia đình ở thủ đô Suva.
Chính phủ Fiji – một quốc gia ở Nam Thái Bình Dương - cho biết trên Twitter rằng cảnh sát và một siêu thị đã "giao các gói hàng gia dụng cho người dân Fiji trong các khu vực bị phong tỏa cục bộ và cách ly tại nhà".
Một con phố vắng vẻ ở trung tâm thành phố Suva, Fiji khi các cửa hàng đóng cửa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ngày 27 tháng 6 năm 2021. Ảnh: REUTERS / David Hotchin
Việc giao hàng chủ yếu được thực hiện ở những khu dân cư nghèo hơn. "Chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng người dân Fiji được hỗ trợ", chính phủ cho biết.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, quốc gia 1 triệu dân đã báo cáo 39 trường hợp tử vong, hầu hết đều được ghi nhận sau sự xuất hiện của biến thể Delta vào tháng 4. Số ca mắc ở Fiji gần đây đã tăng lên hơn 500 ca mắc mỗi ngày, theo số liệu mới nhất ngày 6/7.
[Đọc thêm: Indonesia chật vật vì thiếu oxy giữa ‘bão’ COVID-19: 60 người đã tử vong]
Chính phủ Fiji cho biết một số bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn và nhà xác của bệnh viện chính đã chật kín. Một số nạn nhân COVID-19 cũng chết tại nhà.
Nhưng chính phủ Fiji phản đối lời kêu gọi đóng cửa và thay vào đó kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19.
Kate Greenwood, người đứng đầu phái đoàn Thái Bình Dương của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho biết nếu xét trên quy mô dân số, Fiji bị ảnh hưởng nặng nề hơn Ấn Độ vào thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ.
Greenwood nói với Reuters từ Suva: "Khi tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, các quốc gia Thái Bình Dương khác càng cần hiểu rõ về sự cần thiết để chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra trong giai đoạn này".
Bà nói thêm: "Hệ thống y tế đang bị căng thẳng khi tất cả các nguồn lực đều cố gắng ứng phó, từ các bệnh viện đến ngân hàng máu cho đến nhà xác".
Bác sĩ Neil Sharma, cựu Bộ trưởng Y tế Fiji, nói với Reuters rằng ông nghĩ đất nước nên phong tỏa hai tuần.
Ông nói: "Không giống như một số nước phát triển, nơi mọi người ở yên trong nhà khi có lệnh phong tỏa, mọi người ở đây vẫn đi lại, một số người trong số họ không đeo khẩu trang, và đó không phải là một tình huống dễ dàng".
Sheldon Yett, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Thái Bình Dương, nói với Reuters rằng Fiji đang "quay cuồng" nhưng tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đang tăng lên, với 55% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 10% đã tiêm hai liều.
(Nguồn: Reuters)