Theo báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ngày 24/5/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thì đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, một số đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn toàn tự chủ, hiện hoạt động như doanh nghiệp, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện lộ trình chuyển dần theo cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, các đơn vị công lập như ngành y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, việc thực hiện các quy định của Luật Cạnh tranh gặp khó khăn, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị sự nghiệp công lập bên cạnh việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước còn cung cấp các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với các loại dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được xác định giá dịch vụ theo cơ chế thị trường. Do đó, trong trường hợp này, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động như một doanh nghiệp thì vẫn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành trong đó có pháp luật về cạnh tranh.
Có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật dễ dẫn đến cách hiểu là khi có vụ việc xảy ra thì chỉ có các vi phạm liên quan đến hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế mới được xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh, còn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được xử lý theo quy định của Luật chuyên ngành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết xin tiếp thu, chỉnh lý tại Điều 4 của dự thảo Luật.
Về hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước (Điều 8), ó ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ chế xử lý trong trường hợp cơ quan nhà nước vi phạm các quy định tại Điều 8 dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết xin tiếp thu, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 113 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc không nên quy định về tỷ lệ % giữa số đơn vị hàng hóa tại điểm c, d khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật vì rất khó cho doanh nghiệp, mà chỉ liệt kê thêm doanh thu ở từng lĩnh vực, ngành nghề thì phù hợp hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tiễn thực thi Luật Cạnh tranh trong thời gian qua cho thấy có những trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực như hàng không, vận tải biển, truyền hình trả tiền…, việc bóc tách để tính doanh thu trên thị trường liên quan của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi có thể tính thị phần căn cứ trên tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định phương pháp tính thị phần như quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 12 quy định các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại khoản 7 và 8 Điều 11 của dự thảo Luật bị cấm nếu thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường trong khi Bộ luật Hình sự quy định các hành vi này bị xử lý trong trường hợp "khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên". Đề nghị cần cân nhắc để đảm bảo tính đồng bộ, tránh hẹp hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Điều 217 Bộ Luật hình sự quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại khoản 7 và 8 Điều 11 của dự thảo Luật theo cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh hiện hành khi các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên (đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh dựa trên thị phần). Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tiếp cận theo hướng cấm các hành vi thỏa thuận nêu trên nếu gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường (Điều 12 của dự thảo Luật). Điều đó cho phép cơ quan cạnh tranh điều tra, xử lý đối với các hành vi này trong trường hợp gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, kể cả trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận nhỏ hơn 30% nhưng có những yếu tố khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể (theo tiêu chí đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật). Điều đó có nghĩa quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại khoản 7 và 8 Điều 11 của dự thảo Luật có phạm vi rộng hơn so với quy định cấm tại Điều 217 Bộ luật Hình sự.
Điều 13 dự thảo Luật quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong đó có tiêu chí mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tại khoản 7 và 8 dự thảo Luật thỏa mãn các yếu tố cấu thành hành vi tội phạm quy định tại Điều 217 Bộ Luật hình sự, thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự theo quy định tại Điều 85 dự thảo Luật.
Về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền (Chương IV), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung một điểm vào khoản 2 Điều 25 dự thảo Luật quy định về trường hợp có năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 24 của dự thảo Luật.
Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Chương VI ), có ý kiến đề nghị quy định gộp hai Điều 46, 47 thành một Điều vì Điều 47 quy định cụ thể hóa của 6 nhóm hành vi đã được quy định tại Điều 46 dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi bán phá giá, bán dưới giá thành để cạnh tranh không lành mạnh nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý hai điều 46, 47 thành Điều 45 của dự thảo Luật, đồng thời bổ sung hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác kinh doanh cùng loại hàng hóa, dịch vụ đó tại khoản 6 Điều 45 của dự thảo Luật.