Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Trên cơ sở tiến độ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, giao Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải thống nhất với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lùi thời điểm báo cáo dự án.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu, về nội dung trình Quốc hội, Hội đồng thẩm định Nhà nước thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo đúng quy định và Nghị quyết 94/2015 của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư khẩn trương tổ chức thực hiện, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định, đảm bảo tiến độ Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019, Quốc hội khóa XIV.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dự án được Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 9 thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 với mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Trước mắt khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng đến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất đến năm 2025.
Về nguồn vốn xây dựng sân bay, theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Sân bay Long Thành thì giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư gần 112 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), nguồn vốn này được sử dụng trong thời gian thực hiện từ năm 2020-2025.
Về các kênh tạo vốn, đơn vị tư vấn đã đề xuất 3 phương án đầu tư cho Sân bay Long Thành. Phương án thứ nhất là nhà đầu tư khai thác sân bay sử dụng vốn vay ODA, có thể tiếp cận được vốn ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua việc Chính phủ đi vay, rồi cho doanh nghiệp vay lại.
Phương án thứ 2 là giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 95% cổ phần và đang quản lý 21 cảng hàng không trên cả nước, việc ACV đầu tư sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được tài sản chiến lược của quốc gia, chủ động điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh. Phương án này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và dự án có thể triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật để khởi công sớm và hoàn thành dự án vào năm 2025.
Phương án thứ 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng bằng vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Ưu điểm của phương án này là không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và Nhà nước có nguồn thu từ việc khai thác tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng BOT.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa ban hành Quyết định số 2652/QĐ-UBND về việc quyết định duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, UBND tỉnh duyệt gói thầu số 1: Khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Giá gói thầu là 18.140.584.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo khung tiêu chí được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu là từ tháng 8-2019 và thực hiện hợp đồng tối đa 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên - môi trường chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định; đồng thời lưu ý căn cứ vào kế hoạch bố trí vốn để có tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu phù hợp, khi ký hợp đồng với nhà thầu có thỏa thuận rõ, tránh việc nhà thầu thắc mắc yêu cầu bổ sung kế hoạch vốn; chủ đầu tư quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy định.