Như VnEconomy đã thông tin, sáng 28/10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu đề nghị các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề dự kiến cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội.
5 nhóm vấn đề dự kiến thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông và thanh tra.
Báo cáo về hoạt động này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, ưu tiên những vấn đề chưa được chất vấn hoặc những vấn đề đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn. Nội dung phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ các nguồn thông tin phục vụ việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, gồm ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, tính đến ngày 23/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 73 nhóm vấn đề từ đề xuất của 57 Đoàn đại biểu Quốc hội, 24 vấn đề từ 16 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, 114 vấn đề qua ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và những vấn đề nổi lên qua thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội 2019-2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 5 nhóm vấn đề chất vấn thuộc 5 lĩnh vực như đã nói trên.
Về cách thức tổ chức, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hoạt động chất vấn sẽ được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời. Người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn (không quá 5 phút) trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở cho việc giám sát việc thực hiện.
Kỳ này, Quốc hội tiếp tục áp dụng những cải tiến đã thực hiện tại các kỳ họp trước như: mỗi lượt có 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Thời gian tranh luận không quá 2 phút, thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn; khi cần thiết, giữa các đại biểu có thể trao đổi lại với nhau nhưng cần cụ thể, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn.