Kỳ họp "lịch sử"
Lần đầu tiên, Văn phòng Quốc hội sẽ thí điểm triển khai việc sử dụng phầm mềm được thiết kế riêng cho các Đại biểu Quốc hội. Thông qua điện thoại thông minh, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận các tài liệu, thông tin về kỳ họp, lịch làm việc, vị trí chỗ ngồi, thông tin báo chí…. Phần mềm, không chỉ được kỳ vọng làm giảm lượng văn bản giấy gửi tới các Đại biểu, mà còn giúp duy trì tương tác liên tục giữa các Đại biểu với cử tri trong và sau kỳ họp.
Phần mềm mới chính là một phần của việc triển khai xây dựng Quốc hội điện tử trong nhiệm kỳ này của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết phần mềm không chỉ đáp ứng việc chuyển giao tài liệu nhanh chóng và kịp thời tới các đại biểu quốc hội mà còn có thêm nhiều tiện ích giúp hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phân tích tài liệu hay làm nhiệm vụ tiếp xúc cử tri của từng đại biểu.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết khi có một dự án luật cụ thể, phần mềm không chỉ cung cấp nó đến các đại biểu nhanh nhất mà còn tạo điều kiện cho các đại biểu so sánh chúng với luật của các quốc gia khác về vấn đề tương tự. Bên cạnh đó, nó còn có phần cho phép các đại biểu tra cứu lịch sử, văn bản các dự luật đã được đưa ra tại các kỳ họp trước.
Điểm quan trọng hàng đầu của phần mềm là cho phép Đại biểu Quốc hội tiếp nhận ý kiến cử tri, lưu trữ kết quả của các lần tiếp xúc trước đó hay hiển thị những kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để tiếp tục nêu ra trong các kỳ họp tiếp theo.
"Với phần mềm này, Đại biểu Quốc hội vào hội trường chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại thông minh, không cần tài liệu nào khác", ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Với việc thí điểm phần mềm mới, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV có thể sẽ đi vào lịch sử hoạt động lập pháp của Việt Nam như là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Nghị viện số. Tuy nhiên, do phần mềm mới đang được thử nghiệm nên Văn phòng Quốc hội vẫn duy trì việc cung cấp văn bản giấy để đảm bảo hoạt động cho các Đại biểu Quốc hội.
"Cuối kỳ họp, chúng tôi sẽ có đánh giá về hiệu quả của phần mềm. Đại biểu Quốc hội sẽ có đánh giá về hiểu quả của nó và đưa ra những kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp", ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.
Hàng chục kg giấy sẽ trở thành dĩ vãng
Quốc hội điện tử không phải thuật ngữ mới ở thế giới và Việt Nam. Ngay từ năm 2008, thuật ngữ Quốc hội điện tử đã được nhắc tới như là một giải pháp đổi mới mạnh mẽ cho hoạt động lập pháp. Chia sẻ với báo giới ngày 27/8/2008, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết mỗi kỳ họp, lượng tài liệu gửi tới các đoàn đại biểu thường rất lớn, có thể lên tới hàng trăm nghìn bản.
"Tài liệu nhiều, thời gian cơ quan trình gửi quá gấp gáp (chỉ 2-3 ngày trước kỳ họp) nên Văn phòng Quốc hội phải huy động rất nhiều nhân lực mới bảo đảm việc in ấn, gửi", ông Đàn chia sẻ đồng thời nhấn mạnh việc số hóa có thể giảm đáng kể những nguồn lực dành cho việc này.
Nghị viện điện tử, hay Quốc hội điện tử, là thuật ngữ mô tả việc áp dụng công nghệ số và các đột phá công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động của nghị viện và mở rộng sự tương tác giữa các nghị sĩ và cử tri. Hiểu một cách đơn giản, Quốc hội điện tử, là Quốc hội nhưng được trang bị các phương thức hiện đại để hoàn thành tốt hơn các chức năng và nhiệm vụ của mình.
Quãng thời gian 10 năm trở lại đây cũng đã chứng kiến một sự bùng nổ mạnh mẽ của kỷ nguyên số. Sự ra đời của điện thoại thông minh và đường truyền Internet không dây tốc độ cao đã làm thay đổi cách cả thế giới sử dụng công nghệ thông tin. Không còn là thứ gì đó quá cao siêu hay là đặc quyền của giới trẻ, thiết bị công nghệ đang ngày càng trở nên phổ dụng trong mọi lĩnh vực của xã hội.
Khoảng 10 năm trước, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng Quốc hội điện tử, xây dựng một quốc hội không sử dụng giấy tờ. Sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc và quyết tâm của chính phủ đã giúp Xứ sở Kim Chi sớm hoàn thành được mục tiêu họ đề ra.
Thời điểm đó, thách thức lớn nhất với Hàn Quốc chính là độ tuổi của các nghị sĩ. Với đặc thù tuổi đời lớn, việc thay đổi theo hướng công nghệ là điều khá khó khăn với các "ông Nghị" Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Bài toán được giải bằng việc đào tạo có quy trình, có hệ thống và việc tạo ra những phần mềm thân thiện với người dùng.
Đi sau, Việt Nam sẽ không gặp phải khó khăn như Hàn Quốc đã từng trải qua trong việc xây dựng Quốc hội điện tử. Ở thời điểm hiện tại, smartphone đã trở thành thiết bị thông dụng và được rất nhiều nguời Việt Nam, bao gồm cả những người lớn tuổi ở các vùng nông thôn sử dụng. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm mạng 5G sau khi phổ dụng thành công 4G và 3G.
Đó không chỉ thuận lợi hơn cho các Đại biểu Quốc hội. Một nền tảng công nghệ thông tin và hạ tầng mạng mạnh của Việt Nam còn giúp cử tri tương tác dễ dàng hơn với đại biểu Quốc hội, bao gồm cả các cử tri tại các vùng nông thôn hay những khu vực hẻo lánh. Gia tăng sự tương tác giữa các nghị sĩ với cử tri là điều mọi nghị viện trên thế giới đều dày công theo đuổi. Việt Nam đang ở rất gần mục tiêu đó.