Theo đó, Nghị quyết đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể sau:
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%.
2. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%.
3. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.
5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP.
6. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
7. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%.
9. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã).
10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%.
12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%
Bên cạnh 12 chỉ tiêu chủ yếu, Nghị quyết nêu 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, hàng đầu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, an ninh lương thực và năng lượng, lao động, việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; đẩy mạnh khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công...
Một số nhiêm vụ và giải pháp khác là: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số;
Thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, tập trung phát triển các ngành chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản; sản xuất hàng gia dụng, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường;
Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh... để buôn lậu; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ đất đai, khắc phục tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và công tác kiểm định chất lượng giáo dục;
Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đề nghị không ghi ”khoảng” mà quyết định chỉ tiêu tăng GDP đạt 6,5%, đạt 6,7% hoặc trên 6,7%.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, nước ta vẫn tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Năm 2017, một số ngành, lĩnh vực đã đạt mức tăng trưởng khá cao, năm 2018 khó tiếp tục đạt được mức tăng này.
Mặt khác, chỉ tiêu tăng GDP năm 2018 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2017 đạt 6,7% và dự báo các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn với bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô như nợ công, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm…
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ chỉ tiêu "Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%".
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018 cũng đã hầu hết ý kiến tán thành và được bổ sung một số nội dung dựa trên Kết luận số 20-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá XII.