Ông Tuấn cho biết: Việc Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp thể hiện sự quan tâm của Quốc hội tới công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Luật Lâm nghiệp được thông qua lập tức có tác động tới 16,2 triệu ha rừng, tạo niềm tin cho nhân dân được giao rừng, bảo vệ rừng.
Ông có thể cho biết những nét mới căn bản của Luật Lâm nghiệp có những điểm gì khác so với Luật Bảo vệ phát triển rừng 2004?
- Luật sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp nhằm tạo ra rừng, sản xuất và cung ứng lâm sản đáp ứng cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, đảm bảo chế biến và xuất khẩu lâm sản có trách nhiệm. Quy định như vậy đã thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Sơn (Tuyên Quang)chăm sóc rừng keo. Ảnh: T.Q.Đ.T
Theo ông Hà Công Tuấn, trong số 16,2 triệu ha đất rừng, hiện chỉ có 154 công ty lâm nghiệp quản lý khoảng 1,6 triệu ha, trong đó 86% là rừng tự nhiên và còn rất ít là diện tích đất trống. Định hướng sắp tới tiếp tục sắp xếp lại còn 130 công ty theo Nghị định 118, và trong lần sắp xếp này, đã lấy ra 500.000ha đất rừng để giao cho người dân. |
Đây là một trong những điểm đối mới quan trọng nhất so với Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004 và có liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của dự thảo luật.
Chế biến và thương mại lâm sản được coi như là một trong những thế mạnh trong chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Ông có thể cho biết, vấn đề trên được quy định cụ thể như thế nào trong Luật Lâm nghiệp?
- Chế biến lâm sản không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới và các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.
Việc chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục của Công ước CITES phải bảo đảm các điều kiện, như: Mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp từ cơ sở trồng cấy nhân tạo hoặc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng; có nguồn gốc khai thác hợp pháp từ tự nhiên
Nhà nước xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, quy trình, thủ tục, thẩm quyền phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Một trong những điểm mới của luật là quy định: Chuyển hướng khai thác lợi ích từ rừng sang sản phẩm phi gỗ - dịch vụ môi trường rừng. Điều này được hiểu như thế nào, thưa ông?
- “Dịch vụ môi trường rừng” là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người, trong cơ chế thị trường nhất là yêu cầu phát triển bền vững hiện nay, các dịch vụ này được lượng hóa giá trị hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường.
Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người đã tạo ra dịch vụ; tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng và được phân phối cho những người tham gia trực tiếp bảo vệ, phát triển rừng.
Đây cũng là điểm mới tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.
Vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là sở hữu và quản lý đất rừng. Trong Luật Lâm nghiệp vừa được thông qua, vấn đề sở hữu đất rừng được quy định cụ thể như thế nào?
- Rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn....