Luật Quy hoạch gồm 6 Chương, 59 Điều, 3 phụ lục và có hiệu lực thi hành chậm nhất là ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật này quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm: Quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; và Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Trước khi thông qua Dự thảo luật, QH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày.
Một vấn đề lâu nay được cả đại biểu và cử tri quan tâm đặc biệt, đó là vấn đề điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, có ĐB lo ngại Luật này khiến cho "cơ quan nào cũng có thể điều chỉnh quy hoạch". Theo báo cáo giải trình, để bảo đảm tính nguyên tắc và kỷ luật trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Dự thảo luật tiếp thu ý kiến của ĐBQH theo hướng không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn như quy định tại Điều 51 và Điều 53 của dự thảo Luật Quy hoạch.
Với ý kiến cho rằng các căn cứ điều chỉnh quy hoạch có sự chồng chéo và khó áp dụng trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích: việc quy định các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch vừa cần bảo đảm linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển vừa phải chặt chẽ để tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Đây chỉ là các căn cứ để điều chỉnh, còn việc điều chỉnh phải tuân thủ các điều kiện và trình tự, thủ tục, thẩm quyền đã quy định ở Mục 3, Chương IV của dự thảo Luật Quy hoạch.
Về cơ bản, cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch có quyền điều chỉnh quy hoạch thấp hơn trước mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch cao hơn khi phát sinh các điều kiện trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp cao hơn. Trình tự, thủ tục điều chỉnh, công bố và cung cấp thông tin điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và cung cấp thông tin quy hoạch quy định tại Chương II và Chương III của Luật này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin phép QH không bổ sung thêm quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất vì đã được bao hàm trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Về quy hoạch Thủ đô, Theo báo cáo giải trình, do khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô quy định quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH, bổ sung quy định “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ đô sau khi có ý kiến của Quốc hội.”
Về ý kiến đề nghị làm rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được ban hành và chưa rõ đơn vị nào là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp này đã dành 1 chương quy định về quy hoạch của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.