Kiểm soát tốt dịch bệnh tạo sức bật cho tăng trưởng
Việt Nam đã tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19, vươn lên ngang với Nhật Bản, Singapore, Canada và Italy. Đây là kết quả vừa được trang Nikkei Asian Review công bố, sau khi đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng quản lý dịch bệnh, triển khai vaccine và mức độ tự do trong di chuyển.
Xếp hạng càng cao thì quốc gia, vùng lãnh thổ đó càng tăng khả năng phục hồi, cũng như có tỷ lệ nhiễm bệnh, tử vong thấp, bao phủ tiêm chủng tốt và ít hạn chế trong di chuyển hơn. Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực và quyết tâm trong chính sách chống dịch đi đúng hưởng, từ đó tạo đà cho phục hồi kinh tế - xã hội, mang lại nhiều kết quả rõ nét.
Từ mức tăng trưởng âm 2 con số ở quý III và IV năm ngoái thì quý I/2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh đã tăng 1,88% so với cùng kỳ. Tiếp đà, bước sang tháng thứ 4, kinh tế thành phố tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với chỉ số công nghiệp ước tăng 9,7% so với cùng kỳ, lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp đã quay lại hoạt động bình thường và đang tập trung tăng tốc để đáp ứng các đơn hàng lớn.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Các chương trình giải pháp về phục hồi phát triển kinh tế của Trung ương và thành phố đã được triển khai kịp thời, đồng bộ và đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Cả hệ thống chính trị của thành phố đã triển khai quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ".
Tính chung Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 của cả nước đã tăng 2% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý chỉ số này đã tăng đều đặn qua các tháng khẳng định tính ổn định trong hoạt động sản xuất, từ đó tạo niềm tin cho kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư.
"Đầu tiên là môi trường kinh doanh và sự ổn định chính trị của Việt Nam là những yếu tố tích cực khiến chúng tôi chọn xây nhà máy tiếp theo. Chúng tôi cũng được chia sẻ rất nhiều những giá trị mà tập đoàn đang theo đuổi với Chính phủ Việt Nam như mục tiêu phát triển bền vững. Phải nói rằng đây không phải là đầu tư ngắn hạn, mà sẽ là đầu tư cho thế hệ tiếp theo", ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch Nhà máy LEGO Việt Nam cho hay.
Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt trên 122 tỷ USD, tăng 16,4%, qua đó góp phần xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng cao hơn gấp đôi so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bà Era Dabla Norris - Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay: "Chiến dịch triển khai tiêm vaccine đầy ấn tượng của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh. Tuy nhiên, cho đến nay sự phục hồi cần đồng đều hơn nữa như khu vực dịch vụ vẫn còn chậm hơn so với các lĩnh vực khác. Chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023 nhờ việc thực hiện kịp thời và đúng hướng các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội".
Nhiều kết quả tích cực
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã cho thấy những kết quả rất tích cực, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Kết quả về Chỉ số phục hồi COVID-19 mà Nikkei Asian Review vừa công bố cũng trùng khớp với nhiều nhận định được các trang báo quốc tế uy tín phân tích, một lần nữa tái khẳng định nền kinh tế được giữ vững và duy trì đà tăng trưởng là kết quả của một quá trình kiểm soát tốt đại dịch của Việt Nam.
Trang Bloomberg và Vietjo đều đưa tin "Việt Nam ghi nhận ngày đầu tiên không ca tử vong do COVID-19" hay "Việt Nam tạm dừng khai báo y tế nội địa" là bài viết vừa đăng tải trên trang Nationthailand. Bài viết nhận định, việc tạm thời bãi bỏ yêu cầu này là động thái mới nhất trong nỗ lực chung sống với COVID-19. Có được kết quả trên là do Việt Nam đã chủ động chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Ông Torben Minko - Hiệp hội Doanh nghiệp Đức GBA tại Việt Nam cho hay: "TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, thậm chí cao hơn các nước phương Tây. Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tốt trong việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với một số thị trường lớn. Đây là một bước đi tích cực cho sự trở lại của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài".
Kiểm soát dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam thực hiện được quyết tâm tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. 4 tháng đầu năm, Việt Nam chứng kiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao kỷ lục, ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và là giá trị cao nhất của 4 tháng kể từ năm 2018 cho đến nay.
"Tôi coi thực tế FDI đang quay trở lại là một dấu hiệu rất tích cực của nền kinh tế Việt Nam, cũng như việc Việt Nam đã xử lý tốt đại dịch COVID-19. Việt Nam có chính sách ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể với khoảng 100 tỷ USD, có khả năng cạnh tranh về chi phí đáng kể so với các quốc gia khác, ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho hay.
Ông Michele D’ercole - Chủ tịch Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam nhận định: "Sự hiện diện của FDI trong nền kinh tế là rất quan trọng, trải dài trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế và phủ rộng khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam".
Phục hồi nhanh sau COVID-19 cũng đã giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với tiêu đề "Nhiều nhà cung ứng chọn Đông Nam Á để tìm kiếm các giải pháp thay thế sản xuất", bài viết trên Chuyên trang SupplyChainDive khẳng định, Việt Nam là một trong những ưu tiên của các nhà sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, qua đó vượt qua những khó khăn về giá cả và thời gian vận chuyển gần đây.
"Theo những điều tra khảo sát của Jetro, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư, Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ. Đại dịch COVID-19 cho thấy chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những lựa chọn sáng giá cho việc đa dạng hóa. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình", ông Sasaki Nobuhiko - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết.
Cùng với việc nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất thì việc hàn gắn những đứt gãy trong di chuyển, mở cửa du lịch cũng là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của Việt Nam sau dịch bệnh. Cũng nhờ vậy, "mức độ tự do trong việc di chuyển" là 1 trong 3 yếu tố được trang Nikkei đánh giá cao Việt Nam khi xếp hạng.
Theo các chuyên gia, với những nỗ lực phục hồi hiện nay không chỉ tạo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những quý tiếp theo của năm 2022 mà còn tạo đà tăng trưởng cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2025.