Room tín dụng được nới rộng
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu so với mặt bằng room tín dụng năm 2021 được cấp cho các ngân hàng thương mại trong năm 2021, thì STB được ưu ái hơn cả.
Cụ thể, nếu so với nhóm Big 3 niêm yết và nhóm ngân hàng TMCP top đầu như VPB - Ngân hàng TMCP VPBank; TCB - Ngân hàng TMCP Techcombank; MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội ; ACB - Ngân hàng TMCP Á Châu và HDB - Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM, thì STB đã được cấp mức gần cao nhất, chỉ thấp hơn room tín dụng của VCB, VPB, TCB, ACB, MBB, còn lại cao hơn HDB hay cả TPB - Ngân hàng TMCP TPBank.
Ông Hiếu nhấn mạnh, đặc biệt room tín dụng 2021 được cấp cho STB cao hơn cả nhóm Big 3 như BIDV chỉ được cấp room tín dụng cả năm có 7,5%/năm; CTG 7,5%/năm…Tuy nhiên tính đến thời điểm 5 tháng đầu năm 2021, STB đã sử dụng hết room tín dụng theo chỉ tiêu NHNN cấp và có khả năng ngân hàng này tiếp tục xin NHNN nới room.
Tăng trưởng thành công nhờ tái cơ cấu
Chưa dừng lại ở đó, tâm điểm của thị trường thời gian gần đây dồn vào STB khi cổ phiếu này liên tục được khối ngoại mua vào. Đỉnh điểm có phiên STB khớp lệnh tới 100 triệu cổ phiếu. Tính trung bình 10 phiên khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu STB, cho thấy sức hấp dẫn từ cổ phiếu này.
Theo báo cáo của Công ty CK Yuanta mới đây, quý I, Sacombank lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 25% kế hoạch năm. Tại 31/3, tổng tài sản STB ở mức 497.428 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng gần 5% lên 356.975 tỷ đồng. Dù vậy, nợ xấu giảm 8,4% xuống 5.292 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,7% còn 1,48%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 94% lên 106%. Yuanta cho rằng STB sẽ ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng +34% trong năm 2021 nhờ các yếu tố sau: Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt +13%; NIM cải thiện lên mức 3,16% nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ được duy trì.
Khối ngoại liên mục mua vào và nắm giữ cổ phiếu STB
Đặc biệt, Yuanta kỳ vọng tốc độ xử lý tài sản tồn đọng của STB sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021 nhờ dịch COVID-19 được kiểm soát và thị trường bất động sản phục hồi trong năm 2021. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu của STB có thể tăng vọt trong năm 2021 khi có khoản vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong năm 2020 sẽ phải được trích lập dự phòng.
STB đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tăng 9% trong năm 2021, tăng trưởng tài sản đạt 8%, tăng trưởng huy động vốn đạt 9% và tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2,00% (so với dự báo của Yuanta là 1,85%). Trong năm 2020, STB đã đấu giá thành công 15,2 nghìn tỷ đồng nợ không hiệu quả (từ đó thu về 8,2 nghìn tỷ đồng). Tổng cộng, STB đã thu về 46,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,4% tổng tài sản của STB năm 2020) kể từ khi bắt đầu giai đoạn tái cơ cấu từ năm 2017, hoàn thành 54% kế hoạch.
Một điểm hấp dẫn nữa của STB, theo giới đầu tư, họ trông chờ ngân hàng sẽ bán đấu giá cổ phần của STB tại VAMC - Công ty Quản lý tài sản của các TCTD sau khi được Chính phủ chấp thuận. Giá đấu thầu khởi điểm sẽ vào khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu. VAMC – tổ chức sở hữu 32,5% cổ phần STB (có liên quan đến những khoản nợ của cựu Phó chủ tịch STB), là cổ đông lớn nhất của ngân hàng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã có văn bản gửi NHNN về việc bán cổ phiếu quỹ của STB. Theo văn bản, HĐQT ngân hàng đã thông qua phương án bán gần 81,6 triệu cổ phiếu quỹ (nguồn hình thành cổ phiếu quỹ từ việc sáp nhập Phương Nam Bank vào Sacombank) thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt.
SSC đề nghị NHNN có ý kiến về việc bán cổ phiếu quỹ của STB theo Đề án tái cơ cấu và gửi về UBCKNN trước ngày 14/6. Đến cuối tháng 3, lượng cổ phiếu quỹ Sacombank ghi giá trị gần 751 tỷ đồng. Kết phiên 20/6, cổ phiếu STB có giá 29.650 đồng/cp, tăng 60% từ đầu năm. Tính theo thị giá, 81,6 triệu cổ phiếu quỹ của Sacombank có giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.
Như vậy cùng với nỗ lực tái cơ cấu thành công, việc NHNN cấp room tín dụng cao cho STB cho thấy ngân hàng có kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh cả về tín dụng và hoàn thành việc tái cơ cấu như mục tiêu.