Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 diễn ra chiều tối nay (6/9), phóng viên VTV News đặt câu hỏi tới liên bộ Tài chính, Công Thương về việc trong 7 kỳ điều chỉnh xăng dầu gần đây, nhà điều hành đã thực hiện trích lập đến gần 4.500 đồng cho mỗi lít xăng, 1.700 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Việc trích lập như vậy có gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp không? Ngoài ra với dự thảo Luật giá sửa đổi, với sự biến động giá xăng dầu trong thời gian vừa qua, các cơ quan có cho rằng đây là thời điểm bỏ Quỹ bình ổn giá để điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường?
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, quỹ bình ổn giá là công cụ giảm chấn trong trường hợp giá xăng dầu tăng/giảm mạnh trên thị trường thế giới. Qua đó đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
“Quỹ này không cho ai mà phục vụ quyền lợi người tiêu dùng. Quỹ có tác dụng điều hoà, giảm sốc khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Về dự thảo Luật giá sửa đổi, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, khi soạn thảo dự án Luật này, Bộ Tài chính đã đưa ra một số phương án khác nhau để đánh giá về việc có giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không? Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, dư luận để có những đánh giá và trình cấp thẩm quyền lựa chọn phương án phù hợp nhất cho nền kinh tế.
Cùng trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, về Quỹ bình ổn xăng dầu, “khi cần thì trích, khi cần thì chi chứ không mất đi đâu cả. Quan trọng là trích lúc nào, chi vào lúc nào”.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, khi giá xăng dầu giảm nhiều thì trích một phần đưa vào quỹ, khi tăng thì chi để giảm tác động của tăng giá xăng dầu.
“Nếu để giá xăng tăng đúng mức độ, không có quỹ bình ổn thì giá các mặt hàng sẽ tăng cao hơn. Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước, không hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, toàn bộ quỹ được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu trong nước” - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.