Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia được báo cáo là không có trường hợp tử vong do đại dịch Covid-19. Vào thời điểm hầu hết các quốc gia trên thế giới còn đang chờ đợi, xem xét tình hình dịch bệnh, Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng trước sự bùng nổ dịch bệnh ở Vũ Hán.
Do sự gần gũi và mối quan hệ hợp tác thương mại kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, vào cuối tháng 12, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đang diễn biến như thế nào ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Một cuộc họp khẩn cấp đã được tổ chức vào ngày 15/1 với các quan chức cấp cao của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để thảo luận về các biện pháp chống lại Covid-19 tại Việt Nam. Khi trường hợp đầu tiên của virus được phát hiện vào ngày 23/1, Việt Nam đã được chuẩn bị trước để đối phó.
Sau cuộc họp khẩn cấp đầu tiên vào tháng 1, các sở y tế tỉnh đã triển khai kịp thời Kế hoạch ứng phó để ngăn chặn virus được ban hành bởi Ban chỉ đạo mới về việc kiểm soát và phòng chống Covid-19. Các trường học đã tạm đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (vào ngày 16/1) như một biện pháp phòng ngừa, mặc dù không có trường hợp nào được ghi nhận vào thời điểm đó.
Để tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của quốc gia, Bộ Y tế Việt Nam nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn về kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, kêu gọi huy động toàn dân toàn quốc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, bao gồm toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng an ninh công cộng, quân đội và công dân nói chung. Đến ngày 26/2, cơ quan y tế Việt Nam đã cố gắng giữ số lượng ca nhiễm ở mức thấp: 16 trường hợp, tất cả sau đó đều được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.
Khác với Hàn Quốc, ban đầu khả năng xét nghiệm dịch bệnh của Việt Nam còn hạn chế và chỉ thực hiện được khoảng 15.000 ca xét nghiệm trước ngày 30/3, một con số thấp hơn nhiều so với 395.194 ca xét nghiệm được thực hiện tại Hàn Quốc.
Với những bài học rút ra từ việc chiến đấu thành công với dịch SARS năm 2003, Việt Nam đã đưa ra hai biện pháp quyết định trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19: Truy tìm những người có tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm và theo dõi chặt chẽ việc cách ly các ca bệnh nghi ngờ. Chính phủ tin rằng các biện pháp này sẽ hỗ trợ mục tiêu giới hạn các trường hợp nhiễm bệnh ở mức dưới 1.000.
Truy tìm dấu vết tiếp xúc nghiêm ngặt
Theo WHO, quy trình theo dõi dấu vết tiếp xúc bao gồm ba bước: Xác nhận những người có tiếp xúc với ca nhiễm, lập danh sách liên hệ và theo dõi cách ly. Việt Nam đã thực hiện việc truy tìm dấu vết thành công thông qua việc xác định nhanh chóng các liên hệ với ca nhiễm dựa trên các phân loại của Bộ Y tế về các trường hợp bị nhiễm, nghi ngờ và phơi nhiễm Covid-19, huy động nhanh chóng các chuyên gia y tế, nhân viên an ninh công cộng, quân đội và công chức thực hiện việc truy tìm.
Ví dụ, trong trường hợp Bệnh nhân 91 được xác định vào ngày 19/3, việc huy động bao gồm 300 nhân viên công cộng đã tham gia tìm kiếm những người có liên hệ tiếp xúc với bệnh nhân. Các doanh nghiệp mà bệnh nhân đến thăm đã bị cô lập, những người đã tiếp xúc với anh ta được tìm thấy nhờ các camera giám sát và sau đó được đưa vào các cơ sở cách ly. Toàn bộ quá trình chỉ mất chưa đầy hai ngày và có tác dụng nhất định trong việc giảm thiểu sự lây lan của virus từ Bệnh nhân 91.
Biện pháp cách ly trên diện rộng đầu tiên tại Việt Nam diễn ra vào ngày 12/2 tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi phát hiện 5 trường hợp nhiễm bệnh. Thị xã này là nơi sinh sống của một số lượng lớn công nhân Việt Nam trở về nhà từ Vũ Hán, và đã bị cô lập trong 20 ngày. Vào ngày 7 tháng 3, Việt Nam tăng cường những biện pháp ngăn chặn tại các sân bay bằng cách bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả hành khách đến, sau đó tiếp tục bị đưa đi cách ly.
Hình thức cách ly đầu tiên theo các biện pháp phòng chống Covid-19 của Việt Nam là tự cách ly tại nhà, trong đó toàn bộ khu vực nơi xác định có bệnh nhân bị nhiễm bệnh được cách ly và khử trùng.
Hình thức thứ hai, áp dụng với những người đến Việt Nam từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là cách ly tập trung tại các cơ sở được quản lý công khai, chẳng hạn như các trường đại học, bệnh viện hoặc các doanh trại quân đội.
Để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm, công dân có thể dễ dàng truy cập thông tin và địa điểm của tất cả các điểm cách ly tập trung trên Zalo – mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Trường hợp cách ly hàng loạt mới nhất là Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội - một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam. Việc cách ly bắt đầu diễn ra vào ngày 28/3, sau khi hơn 30 trường hợp nhiễm bệnh được xác định tại bệnh viện. Một chiến dịch trên toàn quốc kể từ đó đã được thực hiện để theo dõi hơn 40.000 người đã đến bệnh viện trong khoảng thời gian từ mùng 10-27/3.
Giám sát chặt chẽ các ca nghi ngờ nhiễm bệnh
Công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi các bệnh nhân bị nghi ngờ và được xác nhận mắc bệnh tại Việt Nam. Bộ Y tế đã làm việc với các công ty công nghệ để phát triển một hệ thống báo cáo trực tuyến trong đó các trường hợp nghi ngờ và được xác nhận bị nhiễm Covid-19, cũng như những người có tiếp xúc gần gũi, được tổng hợp vào cơ sở dữ liệu cùng với thời gian và địa điểm cụ thể.
Ngoài ra, một ứng dụng di động, NCOVI, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) giới thiệu để cho phép công dân chủ động báo cáo tình trạng sức khỏe của họ hàng ngày. Hà Nội cũng đã ra mắt một ứng dụng di động, SmartCity, để theo dõi các trường hợp bị nhiễm, cách ly và đã phục hồi. Bệnh nhân được yêu cầu cài đặt ứng dụng trong điện thoại của họ, nếu họ di chuyển cách xa khu vực cách ly 20 đến 30 mét, ứng dụng này sẽ báo động và gửi thông báo cho tổ trưởng dân phố.
Theo một khảo sát gần đây, 62% người Việt Nam nói rằng họ hài lòng với mức độ ứng phó của chính phủ trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Bài học cho Canada
Canada cần tham khảo cách tiếp cận của Việt Nam trong việc truy tìm dấu vết tiếp xúc với ca nhiễm. Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan để lại nhiều bài học trong việc thành công hạn chế sự bùng phát của Covid-19. Nhưng kinh nghiệm độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là cách dựa vào công nghệ để ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh ngay từ đầu, cũng có thể là một bài học sâu sắc cho Canada.