Tundra Vietnam Fund, quỹ chuyên đầu tư đón đầu các cơ hội nâng hạng thị trường vừa công bố báo cáo tháng 11 với quy mô danh mục chỉ còn 43,6 triệu USD, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Kể từ khi đạt đỉnh gần 226 triệu USD vào tháng 4/2018, quy mô danh mục Tundra Vietnam Fund liên tục sụt giảm. Điều này một phần đến từ giá trị các khoản đầu tư của quỹ giảm do thị trường chung không thuận lợi và một phần đến từ việc quỹ bị rút vốn.
Trong tháng 11, tăng trưởng NAV/shares của quỹ là âm 2,2% (tính theo đồng USD). Tuy vậy, so với đầu năm, tăng trưởng quỹ vẫn đạt mức 4,5% (USD).
Về cơ cấu danh mục, FPT hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của Tundra Vietnam Fund với 8,8%, tiếp theo lần lượt là MSN (5,8%), VHM (5,7%), VHM (5,7%)…Tỷ trọng "nhóm VinGroup" trong danh mục Tundra Vietnam Fund (bao gồm VIC, VHM, VRE) tính tới cuối tháng 11 là 13,9%.
Các cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất danh mục Tundra Vietnam Fund trong tháng 11 gồm HSG (+8,8%), HPG (+4,8%), VRE (+3,8%), VHM (+3,3%), VND (+1,8%). Ở chiều ngược lại, LDG (-13,6%), PGS (-12%), KDF (-9,6%), INN (-9%), DXG (-8,4%) là những cổ phiếu giảm sâu nhất.
Vĩ mô phát đi những tín hiệu trái chiều, giảm cho vay BĐS tác động xấu tới thị trường
Theo Tundra, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng và hoạt động margin calls diễn ra đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong tháng 11. Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng 40 triệu USD trong tháng 11 và giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 206 triệu USD, tăng 12% so với tháng trước.
Nhóm bất động sản là một trong những nhóm biến động tệ nhất khi chịu ảnh hưởng bởi một số chính sách từ NHNN. Bên cạnh đó, các cổ phiếu Bluechips FOL (hết room) cũng khá tiêu cực, dù tháng trước tăng trưởng tốt nhờ kỳ vọng ra đời của các quỹ ETFs.
Trong tháng 11, NHNN đã ban hành các chỉ thị mới cho các ngân hàng như (1) Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 40% xuống 30% và (2) Tăng rủi ro hệ số cho vay BĐS lên tới 150% khi tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đã tác động ít nhiều tới thị trường. Dù vậy, nhiều ngân hàng đã tuân thủ các tiêu chuẩn Basel II nên tác động tiêu cực của các chỉ thị được giới hạn ở ít ngân hàng hơn.
NHNN cũng yêu cầu tất cả các ngân hàng giảm mức cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt xuống tối đa 30% trong tổng dự nợ vào tháng 1/2024, đồng thời tăng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) lên 85% từ mức 80% hiện tại. Theo Tundra, dường như NHNN đang cố gắng giảm thanh khoản cho vay tiêu dùng, chủ yếu trong lĩnh vực BĐS để tránh mọi khủng hoảng trong trường hợp ngành BĐS Việt Nam "hạ nhiệt".
Mặt khác, NHNN đã quyết định cắt giảm trần lãi suất với tiền gửi ngắn hạn và hoạt động thị trường mở (OMO) 0,5% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, một số ngân hàng đã tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay.
Theo Tundra, bức tranh kinh tế vĩ mô phát đi các tín hiệu trái chiều với chỉ số PMI tháng 11 tăng từ 50 điểm (tháng 10) lên 51 điểm cho thấy sự cải thiện nhẹ trong sản lượng và đơn đặt hàng mới. FDI giải ngân 11 tháng tăng 6,8% so với cùng kỳ lên 17,6 tỷ USD, tuy nhiên vốn FDI đăng ký giảm 11,4% xuống còn 20,5 tỷ USD.
Lạm phát vẫn trong kiểm soát và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại 11 tháng đạt 9,1 tỷ USD với xuất khẩu tăng 7,8% so với cùng kỳ và kim ngạch thương mại Việt Nam (xuất khẩu + nhập khẩu) có thể sẽ vượt 500 tỷ USD trong năm nay, tương đương gần 200% GDP.