Cùng với sự lên ngôi của Influencer Marketing (Marketing qua người ảnh hưởng), các Influencers ở Việt Nam cũng phát triển. Influencer gần như trở thành một nghề khi thu nhập từ một post Facebook của những Influencer top lên tới cả ngàn USD.
Thường cách thức làm Marketing qua Influecer sẽ là Clients (Khách hàng doanh nghiệp) thuê Agency (Công ty truyền thông), Agency sẽ đặt bài với các yêu cầu cụ thể bằng văn bản (Script) cho các Influencers/KOLs (Người có ảnh hưởng/Người nổi tiếng).
Nhà văn Phan Ý Yên có thể coi như một Influencer với hình tượng Quý cô độc thân tuổi 33 tuổi. Ý Yên là cây viết đầy nội lực với nhiều cuốn sách được yêu thích như "Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi", "Em là để yêu", "Người lớn cô đơn"… Trang Facebook của nhà văn này hiện có hơn 116.000 người theo dõi (Followers).
"Bí kíp" cơ bản của nghề Influencer: Mạnh đâu khoe đó!
Ảnh: FBNV.
Chia sẻ về nghề Influencer mà dân mạng hay gọi vui là "tổ ngàn like", Phan Ý Yên cho rằng nhiều người lầm tưởng cứ nhiều Like trên Facebook sẽ trở thành KOLs hay Influencers. Thực tế không phải. Rất nhiều hot girls hay các bạn gái xinh đẹp có hàng trăm, hàng triệu followers không được khách hàng chọn.
"Thực ra khách hàng rất tinh ý. Họ hiểu rõ hình tượng này có phù hợp với nhãn hàng của họ hay không", Ý Yên chia sẻ.
"Nghề này cần chặng đường trường và phụ thuộc nhiều vào sức bền trong hình ảnh. Đó có thể là một nghề mơ ước, dư dả tiền bạc nhưng không hề dễ dàng tí nào".
Một khi đã xác định trở thành Influencer, Ý Yên cho rằng các bạn trẻ cần hiểu rõ về bản thân mình, biết thế mạnh của mình.
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân hay xây dựng thương hiệu của một Brand (nhãn hàng) có rất nhiều điểm tương đồng. Hiểu nôm na, phải xem bạn như một mặt hàng, bạn có gì để bán? Điều gì ở bạn khiến người khác muốn follow Facebook của bạn.
"Bản thân mình, hình ảnh mình muốn xây dựng lên là Độc thân nhưng rất Enjoy cuộc sống. Mình thấy độc thân hấp dẫn, không có gì tệ. Các bạn follow mình ở độ tuổi từ 18 tới 3x. Thi thoảng, có những chị, cô có gia đình nhưng vẫn vào comment chia sẻ, bày tỏ yêu thích với các post của mình".
"Đó là hình ảnh mình đang gây dựng được để thu hút Follower. Hình ảnh phụ thuộc vào những thay đổi khác trong đời sống của mình. Về cơ bản, một câu nói đơn giản nhưng ngắn gọn với các bạn muốn trở thành Influencer là: Mạnh đâu khoe đó", Ý Yên cười.
Mối quan hệ giữa Influencer và Client đôi khi đớn đau, khách đòi bài viết về bệnh viện phải hay như review phim, nhắc tên brand 5 lần trong một post
Trở thành Influencer không phải chặng đường dễ dàng. Ảnh minh họa. Nguồn: Adwork.
Như đã nói ở trên, thường Client sẽ làm việc với Influencer thông qua Agency, cho nên mối quan hệ giữa Client và Influencer thường không quá kinh khủng, nhưng đôi khi vẫn có "những đớn đau". Marketing vốn là ngành nghề khá linh hoạt với các chiến dịch khẩn trương, nên các "lệnh" ban xuống Agency và Influencer thường xuyên được gửi vào phút chót.
Có những lần, 5h chiều Ý Yên nhận được cuộc gọi thông báo đã gửi Script và nhờ 8h lên bài. Lúc ấy, chị đang ở giữa đường và còn cách nhà khá xa.
Hay như Script, rất nhiều Client không nắm rõ content của mình phù hợp với đối tượng nào. Có bận Agency gửi Script xuống, chị viết "3 vạn 8 ngàn chữ" mà gửi hoài không thấy trả lời. Một ngày, Agency gửi lại yêu cầu chị viết lại hoàn toàn, yêu cầu mới, thậm chí còn không liên quan gì đến bản Script trước đó khách gửi.
Ý Yên cũng thường tự mình viết lại content khách gửi vì bản thân các Influencer viết nhiều nên rất rõ viết theo chiều hướng nào Follower của mình sẽ thích và muốn đọc. Nhưng khách hàng không muốn, mà đòi sửa.
"Chúng mình hay nói vui là chị gửi Script sẽ nói là "Chị muốn em viết sản phẩm của chị về bệnh viện, nhưng hãy viết hay như review một bộ phim", hoặc "Chị không muốn nói nhiều về Brand của chị, em cứ viết sao cũng được miễn là có 5 lần brand của chị trong đó"", Ý Yên nói vui.
Môi trường hợp tác hiệu quả và lý tưởng nhất giữa các bên, Ý Yên cho là Client cần biết rõ mình muốn gì rồi mới gửi xuống Agency, Agency gửi tới Influencer một Script nêu rõ đầy đủ, với timelines cụ thể.
"Bản thân mình tự hào là một Influencer luôn giữ đúng lịch hẹn. Nói mấy giờ là đúng giờ đó mình có, nhưng cần có một bản Script đầy đủ, một timelines cụ thể và bản thân Client biết rõ về khách hàng và chiến dịch của mình. Đó là một môi trường hợp tác lý tưởng và hoàn hảo giữa Client và Influencer", Ý Yên nói.
Có "mùa Influencer", mùa vắng khách, và cũng có rủi ro
Nghề Influencer cũng có "mùa vụ", có mùa vắng khách, thậm chí không có gì, có mùa "việc cần người", đặc biệt các dịp cuối năm.
Do đó, Influencer thường lấy những mùa đông khách để "sống" cho những mùa ít khách. Facebook của các Influencer cũng dàn trải nội dung quảng cáo xen lẫn thông tin xung quanh đời sống, hình ảnh của mình.
Mỗi Post của nhà văn trẻ có từ 500 - hơn 1.000 like.
"Những mùa vắng khách nên tập trung hút nhiều Followers, bởi các bạn sẽ tập trung tạo nội dung, xây dựng hình ảnh. Từ đó, bạn sẽ có nhiều Follower mới, thậm chí những Follower đã quay lưng với bạn có thể sẽ trở về nếu bạn có gì đó mới đăng làm họ thích thú".
"Những mùa đông khách thì cần dàn trải ra. Có thể đàm phán với Clients là hôm nay mình có quá nhiều post rồi mình phải dàn qua hôm khác, và xen kẽ vào đó là những nội dung mà mình nghĩ sẽ thu hút, những nội dung mang tính chất riêng để mọi người vào trang cá nhân đọc được những thứ khác nữa ngoài quảng cáo", Ý Yên chia sẻ.
Nói về rủi ro trong nghề, quý cô độc thân đề cập đến scandal một thương hiệu mỹ phẩm lớn mà bà chủ đang vướng cáo buộc tội buôn hàng giả. Thương hiệu đó quảng cáo qua rất nhiều Influencer. Rủi ro trong nghề này có thể nói xuất phát từ chính các Influencer khi nhận lời quảng cáo một sản phẩm mà mình không hiểu rõ.
Về mặt pháp luật, Influencer không có lỗi trong những trường hợp như vậy, nhưng ảnh hưởng rất nhiều tới hình ảnh. Với Ý Yên, không phải Brand chị biết thì chị không dám nhận, dù ngay cả người ta trưng ra nhiều bằng chứng, giấy kiểm nghiệm y tế.
"Đó thực sự là rủi ro mà Influencer cần kiểm soát. Đừng vì lợi nhuận trước mắt để ảnh hưởng lâu dài", nhà văn độc thân nhắn nhủ.
Thông tin được ghi lại từ Tọa đàm "Headstart#2: Influencer Marketing" do CLB Marketing Đại học Ngoại thương tổ chức.