Hapro có vốn điều lệ 2.200 tỷ, theo phương án được duyệt, 65% sẽ được bán cho đối tác chiến lược, 34,51% được bán đấu giá công khai và 0,49% được bán ưu đãi cho người lao động. Hoạt động kinh doanh chính của Hapro là thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại.
Năm 2016, Hapro đạt doanh thu hợp nhất gần 4.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng. Tổng công ty này được cho là hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả, tuy nhiên lại sở hữu thế mạnh mặt bằng thương mại, đều có vị trí đắc địa ở trung tâm các tỉnh, thành phố lớn.
Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý như Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng.
Dự án này được khởi công từ hồi năm 2010, có diện tích đất 1.624m2, mật độ xây dựng 55%, công trình cao 33m (bao gồm 09 tầng cao, 03 tầng hầm, 01 tầng tum…làm TTTM và văn phòng cho thuê). Dự án được cho là hợp tác với tập đoàn vàng bạc đá quý Doji. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ và “đắp chiếu” thời gian dài, theo lãnh đạo Hapro lý do chậm là do kinh tế suy thoái dẫn đến khó khăn và việc điều chỉnh quy hoạch nâng chiều cao không được chấp thuận.
Ngoài ra, Hapro còn có dự án “Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh”. Dự án này có quy mô 15 tầng và 2 tầng hầm gồm có 5 tầng làm TTTM, 10 tầng làm văn phòng cho thuê.
Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.
Bên cạnh đó, một số công ty thành viên, công ty con mà Hapro đang nắm giữ cũng đang quả lý và sử dụng nhiều BĐS ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong 2016, Hapro đã thoái phần vốn nhà nước ở nhiều công ty con, công ty liên kết tuy nhiên vẫn chưa thoái hết phần vốn và tổng công ty này vẫn có kế hoạch thoái vào những năm tiếp.
Phần lớn quỹ đất các công ty này nắm giữ là đất thuê. Chẳng hạn Công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên hiện đang quản lý 11 khu đất làm thương mại, văn phòng làm việc quanh khu Gia Lâm, Long Biên với tổng diện tích khoảng 10.000m2;
Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi đang quản lý tới 42 khu đất, trong đó có dự án TTTM số 10B Tràng Thi diện tích 1.800m2 cao 4 tầng với tổng mức đầu tư 2,5 triệu USD; dự án 47 Cát Linh 2.163m2, trong đó Tràng Thi sẽ phải bàn giao 1.000m2 (giáp mặt Cát Linh) để xây trụ sở UBND quận Đống Đa, phần còn lại được chấp thuận đầu tư dự án (hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS), khu đất vàng 2.098m2 tại số 12-14 Tràng Thi mà đơn vị này đặt làm trụ sở (đang đề nghị ký tiếp hợp đồng thuê đất)…