Trong 2 thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nổi bật nhất của Việt Nam thời gian qua đều có sự góp mặt của GIC - Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.
GIC đã mua gần 153,85 triệu cp VHM của CTCP Vinhomes trong đợt IPO, tương đương 5,74% vốn. GIC cam kết sẽ đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD vào Vinhomes bao gồm khoản đầu tư vào cổ phiếu và các khoản cho vay để đầu tư dự án. Với Techcombank, dù chưa có thông tin chính thức về giao dịch nhưng trước khi diễn ra IPO, theo nguồn tin của Bloomberg, GIC muốn đầu tư 100 triệu USD vào ngân hàng này.
Năm 2016, thông tin từ Bloomberg cũng cho biết, GIC từng có ý định đầu tư vào Vietcombank 400 triệu USD để sở hữu cổ phần của ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, thương vụ đã không diễn ra.
VIC, Techcombank hay Vietcombank chỉ là số ít trong số những thương vụ GIC đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Danh sách này còn nối dài bởi nhiều cái tên nổi bật như: FPT, VJC, PAN, Vinasun, MSN…
Quỹ đầu tư ‘săn hàng’ toàn thế giới
GIC là quỹ đầu tư quốc gia của Singapore được thành lập từ năm 1981, quản lý danh mục 100 tỷ USD, với hơn 1.400 nhân viên do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long làm Chủ tịch.
Theo thông tin trên trang xếp hạng quỹ đầu tư - SWF Institute, tổng tài sản của GIC thực tế có thể đạt 390 tỷ USD, xếp hạng thứ 13 thế giới về giá trị và xếp hạng 6 về mức độ minh bạch.
Nguồn: SWF institute
Tiêu chỉ của GIC là đạt mức sinh lợi tốt cho ngân sách Singapore trong dài hạn. GIC phải đảm bảo tỉ lệ sinh lợi cao hơn tỉ lệ lạm phát toàn cầu ở mức phù hợp trong một khoảng thời gian thông thường là 20 năm.
Chiến lược đầu tư của GIC dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, phân bổ danh mục phải đảm bảo theo tỷ lệ 65:35, trong đó 65% giá trị đầu tư cổ phiếu và 35% giá trị đầu tư trái phiếu toàn cầu.
Thứ hai, tài sản của GIC sẽ được phân bổ cho 7 kênh gồm: chứng khoán ở các thị trường phát triển; chứng khoán ở các thị trường mới nổi; trái phiếu danh nghĩa và tiền mặt; trái phiếu điều chỉnh lạm phát; đầu tư tư nhân; bất động sản.
Mục tiêu của điều này là nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc đa dạng hóa danh mục và tìm kiếm lợi nhuận vượt trội từ các thị trường mới nổi cũng như các kênh tài sản đầu tư kém thanh khoản khác.
Cuối cùng, với mỗi kênh đầu tư, GIC sẽ áp dụng các chiến lược đầu tư khác nhau và được xây dựng dựa trên các tiêu chí kiểm soát rủi ro.
Quỹ của Chính phủ Singapore không giới hạn khu vực hoạt động mà vươn dài cánh tay tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Tỷ trọng đầu tư lớn nhất của quỹ nằm tại Mỹ chiếm 34% cơ cấu tài sản, tiếp theo là châu Á chiếm 19%, châu Âu và Nhật Bản 12%.
Phân bổ tài sản tại các nước của GIC
Nguồn: Báo cáo GIC
Với việc tuân thủ chặt nguyên tắc, kết quả của GIC luôn nằm trong số những quỹ hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới, thuộc top 10 quỹ đầu tư có tài sản tốt nhất trên thế giới do SWFI xếp hạng.
Tính tới năm tài chính 2017, tỷ suất sinh lợi của quỹ đạt 3,7% hàng năm. Nhìn lại 16 năm trở lại đây, mức lợi suất hàng năm của GIC luôn trên 3,5%, ngoại trừ thời điểm khủng hoảng năm 2009.
Nguồn: Báo cáo GIC
Trong định kỳ 20 năm, danh mục đầu tư của GIC tăng 9,2%. Con số này ở mức 10,2% nếu tính thời gian 10 năm và đạt 6,6% trong 5 năm.
Nguồn: Báo cáo GIC
Tính đến 31/3/2017, danh mục tài sản của GIC có tỷ trọng chủ yếu là trái phiếu danh nghĩa và tiền chiếm 35% giá trị. Thứ hai là khoản đầu tư cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán phát triển, chiếm 27% giá trị và cổ phiếu tại thị trường mới nổi chiếm 14%. Bên cạnh đó, khoản đầu tư vào bất động sản chiếm 7% danh mục, góp vốn tư nhân tỷ trọng 9% và trái phiếu biến động theo lạm phát chiếm 5%.
Tỷ trọng danh mục tài sản của GIC (%)
Nguồn: Báo cáo GIC
"Nếm ngọt đắng" tại chứng trường Việt Nam
Tại Việt Nam trong 4 năm gần đây, hoạt động đầu tư của GIC khá sôi động. Quỹ tham gia đầu tư cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp và đã thu được thành quả. Một trong những khoản đầu tư đầu tiên và hiệu quả nhất của GIC đến nay là cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN (HOSE: PAN).
Năm 2014, GIC mua 1,9 triệu cp PAN, tương ứng tỷ lệ 4,71% vốn, ở mức giá 32.000 đồng/cp. Đến nay, qua nhiều đợt chia thưởng và mua thêm cổ phiếu, GIC đang sở hữu 4,88% vốn của PAN tương ứng hơn 5,74 triệu cp.
Trên thị trường, cổ phiếu PAN đã tăng 208% giá trị so với năm 2014, giao dịch tại giá 65.500 đồng/cp kết phiên ngày 13/6. Theo đó, giá trị lượng cổ phần mà GIC sở hữu tại PAN có giá trị khoảng gần 376 tỷ đồng.
GIC cũng ghi nhận thành công với khoản đầu tư 8,3 triệu cp FPT trong năm 2014. Tính đến nay, GIC đang sở hữu hơn 18,8 triệu cp FPT, tương đương 3,53% vốn. Thị giá FPT đã tăng 75% so với thời điểm 2014 và dừng ở mức 46.800 đồng/cp trong phiên 13/6.
(Số liệu đã tính biến động tỷ giá USD)
Trong năm 2016, GIC cũng mua vào 16,4 triệu cp VJC của CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC), tương đương 5,21% vốn tại mức giá 84.400 đồng/cp. Sau nhiều lần phát hành chia thưởng lượng cổ phần tăng lên 22,7 triệu cp. Đến tháng 3/2018, GIC đã giảm sở hữu tại VJC xuống 4,97% vốn, tương đương 22,4 triệu cp.
Trong năm 2016, GIC cũng rót vốn vào CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) mua 37,9 triệu cp, tương đương 5,08% vốn ở quanh giá 69.200 đồng/cp.
Tính 2 năm gần đây, cổ phiếu VJC và MSN đều ghi nhận mức tăng thị giá 137% và 103%.
Dù thành công phần lớn các khoản đầu tư, GIC vẫn phải nhận “trái đắng” khi đầu tư vào CTCP Ánh Dương Việt Nam (HOSE: VNS, Vinasun). Năm 2014, quỹ đầu tư của Singapore đã mua lại 4,5 triệu cổ phiếu VNS (tỷ lệ 7,96%) từ Red River Holdings với mức giá ước tính khoảng 203 tỷ đồng, bình quân 45.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, trong 4 năm qua, thị giá của đã giảm 42% xuống mức 14.600 đồng/cp. Vừa qua, GIC đã phải bán toàn bộ 7,96% vốn tại Vinasun với giá khớp trung bình chỉ 14.400 đồng/cp, nhận về khoản lỗ khoảng 140 tỷ đồng.