Thông tư 22/2019 mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vào ngày 15/11/2019 đã có thay đổi quy định giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Một quy định đáng chú ý là từ ngày 1/1/2020, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa ở mức 85% cho tất cả NH theo thông tư 22/2019/NHNN.
Hiện tại, theo thông tư 36/2014, tỷ lệ LDR tối đa áp dụng với nhóm Ngân hàng TM Nhà nước là 90%, còn ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 80%.
Như vậy, quy đinh mới có xu hướng siết tỷ lệ LDR đối với các ngân hàng quốc doanh và nới lỏng cho các ngân hàng tư nhân,…
Đánh giá tác động của thông tư này, nhóm phân tích của chứng khoán KBSV cho rằng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ không có nhiều thay đổi do sự điều chỉnh trái chiều đối với tỷ lệ LDR trong khu vực NHTM Nhà nước và Tư nhân. Theo tính toán, phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm NHTMNN sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm NHTMCP.
Tuy nhiên, KBSV nhận định, nếu tính riêng cho từng nhóm NH trong hệ thống, nhóm NHTM NN, đặc biệt là 2 ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel 2 là BIDV và VietinBank sẽ chịu tác động từ thông tư trên. Tính toán tỷ lệ LDR theo thông tư 36 cho thấy LDR của 2 ngân hàng này đang ở mức 84% và 85,5%, trong nửa đầu năm 2019 và tỷ lệ này là 83,4% và 84,9% vào năm 2018. Bên cạnh đó, việc 2 nhà băng này chưa đạt chuẩn Basel 2 sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 sẽ không còn nhiều
Đối với nhóm NHTMCP, NHNN đã có đánh giá khách quan hơn đối với hoạt động tín dụng của nhóm này, đặc biệt là các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel 2 sẽ là các ngân hàng được lợi chủ yếu. Bên cạnh việc room tín dụng nhiều khả năng sẽ được mở thêm vào năm 2020, việc nới lỏng tỷ lệ LDR sẽ giúp nhóm NH này, như ACB, MB, HDBank và TPBank sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh tín dụng hơn.