Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định (NĐ) thay thế NĐ số 86/2014/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 86) về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Kể từ khi Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực, đây là lần thứ 3 NĐ về lĩnh vực này được sửa đổi.
Bỏ quy định số lượng xe tối thiểu
So với NĐ 86, dự thảo NĐ thay thế có 6 điểm thay đổi lớn, trong đó đáng chú ý là bỏ quy định liên quan đến số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải.
Xe khách hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình, TP Hà Nội
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất bỏ khoản 4 điều 15, điều 16, điều 18; khoản 7 điều 17 và khoản 2 điều 19 của NĐ 86 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (xe buýt, taxi, xe khách); xe hợp đồng, vận tải khách du lịch và vận tải hàng hóa. Theo các điều khoản này, doanh nghiệp (DN), HTX kinh doanh vận tải theo từng loại hình phải có số lượng xe tối thiểu đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương, các địa phương và huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, hiện nay, số đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ hơn 5 xe trên cả nước là 17.799/24.580 đơn vị (tỉ lệ 72,4% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải). Trong đó, số lượng đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ hơn 5 xe theo từng loại hình như sau: tuyến cố định chiếm 34,6%; xe buýt 10%; xe hợp đồng 86,6%; xe container 53,2%; xe du lịch 76,9%; xe tải 78,4%. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cho biết nếu theo lộ trình quy định tại NĐ 86, hầu hết các đơn vị này sẽ không thực hiện được quy định về quy mô, sẽ gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Nếu tiếp tục quy định số lượng xe tối thiểu, đương nhiên các DN nhỏ không thể thực hiện được.
Đó là cơ sở mà theo ông Ngọc, dự thảo NĐ thay thế NĐ 86 đã bỏ quy định trên. "Ngay cả DN lớn nếu chỉ có 49 xe chất lượng cao cũng không được phép kinh doanh taxi ở Hà Nội, TP HCM. Điều này chưa hợp lý, gây khó khăn trong kinh doanh của DN, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân" - ông Ngọc nhấn mạnh.
Siết "xe dù" trá hình xe hợp đồng
Một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo NĐ bổ sung nhiều điều kiện mới để đưa loại hình kinh doanh xe hợp đồng vào khuôn khổ. Theo Bộ GTVT, quy định tại NĐ 86 còn đơn giản dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị vận tải chỉ hợp thức hóa các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải, lợi dụng vận tải hành khách theo hợp đồng để đặt chỗ cho hành khách rồi đón, trả khách tại các điểm như: bệnh viện, trường học... và dọc các tuyến quốc lộ gây ra tình trạng tranh giành khách làm mất trật tự vận tải.
Bộ GTVT đánh giá thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng xe vận chuyển hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định; hiện tượng "xe dù, bến cóc" do xe vận chuyển hợp đồng gây nên đang ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Theo các chuyên gia giao thông, xe hợp đồng là xe chạy không theo tuyến cố định, còn xe tuyến cố định chạy từ bến đến bến, có quy hoạch từ trước. Tuy nhiên, hiện nay xe hợp đồng có hiện tượng lách quy định để chở khách tuyến cố định bằng cách trên xe in sẵn hợp đồng, khi hành khách lên xe sẽ ghi tên bổ sung. Vì vậy, dự thảo NĐ lần này đã điều chỉnh thỏa đáng hơn khi quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; hợp đồng phải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Ngoài ra, mỗi chuyến xe chỉ được ký kết một hợp đồng, bởi nếu trên một xe 50 chỗ ngồi mà có 50 hợp đồng thì không khác gì xe tuyến cố định bán vé, điều này không phù hợp.
Dự thảo NĐ lần này cũng bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau; không được bán vé và thu tiền cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được gom khách lẻ; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức (trừ xe hợp đồng chở học sinh, sinh viên, công nhân viên... đi theo một hành trình lặp đi lặp lại nhưng phải có hợp đồng và danh sách hành khách trong suốt thời gian thuê xe).
Hạn chế xe giường nằm 2 tầng
Về điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô, dự thảo quy định ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa phải có phù hiệu. Đối với xe khách có giường nằm 2 tầng, không được hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi. Bên cạnh đó, tài xế phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, bao gồm cả chỗ ngồi, chỗ đứng và giường nằm để điều khiển xe khách có giường nằm 2 tầng.