Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý cho Dự thảo Thông tư về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương. VCCI cho rằng, cần bỏ các đề xuất thiếu khả thi và dễ gây hiểu lầm như “ cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500 m”.
Theo VCCI, quy định như vậy, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng sinh sống tại đâu. Trong trường hợp cửa hàng tiện lợi phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500m thì liệu có vi phạm pháp luật và bị xử phạt? Ngoài ra đơn vị này cũng cho rằng, Dự thảo Thông tư về phát triển hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương có nhiều quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.
Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, việc có quy định để tăng cường quản lý nhằm phát triển các loại hình hạ tầng thương mại, mô hình bán lẻ là cần thiết. Tuy nhiên, cách tiếp cận nên sát với thị trường, tránh đi sâu vào kiểm soát các yếu tố mang tính kỹ thuật, tính tổng hợp, các tiêu chí này khi được thực thi có thể bị áp dụng một cách cứng nhắc, mang tính bắt buộc.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận, bất cứ văn bản nào đưa ra cũng phải hướng tới doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, không phải là kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Ngay khi Tổ soạn thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư, Hiệp hội các nhà bán lẻ đã có ý kiến, đề xuất với Bộ Công Thương.
“Hiệp hội đồng tình với một số điểm mà Dự thảo đưa ra. Tuy vậy, cần làm thế nào để có sức thuyết phục, các tiêu chí đưa ra đều phải tiên tiến để vừa dễ quản lý cũng như vừa để doanh nghiệp dễ thực hiện. Về quy định Dự thảo, đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m là để có những quy định phù hợp cho sự phát triển tổng thể của mạng lưới bán lẻ”, bà Hậu bày tỏ quan điểm.
Trước những băn khoăn về Dự thảo Thông tư mới, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, quy định "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m" không hạn chế đối tượng phục vụ hoặc khách mua của cửa hàng tiện lợi mà nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, tránh để phát sinh các quy định có thể gây hiểu nhầm là điều kiện đầu tư kinh doanh.
“Chúng tôi đưa ra thông số cho cửa hàng tiện lợi nhằm làm rõ hơn tính tiện lợi của các cửa hàng này, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận cửa hàng ở khoảng cách không được xa quá, người tiêu dùng có thể chỉ cần đi bộ cũng tới được cửa hàng. Cũng có những tiêu chí về mở rộng thời gian hoạt động 24/24 giờ, là những điều mà những hệ thống như siêu thị, chợ truyền thống hay là các loại hình hạ tầng thương mại khác không có được. Những tiêu chí để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi là một trong những loại hạ tầng thương mại, Bộ Công Thương nhận thức phù hợp với điều kiện Việt Nam để trong thời gian tới phát triển mạnh loại hình hạ tầng này”, bà Nga cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Trịnh Thị Thanh Thủy, Bộ Công Thương có vai trò quan trọng trong việc ban hành nhiều Quy định, Thông tư hướng dẫn theo hướng tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường, nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các nhà phân phối trong nước và nước ngoài. Do đó, sự ra đời của Thông tư về hạ tầng thương mại là cần thiết đối với thị trường bán lẻ hiện nay, cần rà soát để hoàn thiện Dự thảo Thông tư nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia.
“Mỗi quy định, mỗi chính sách ra đời cần dựa trên trên tinh thần kế thừa và có tính định hướng cho tương lai, phù hợp với sự phát triển. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình phân phối hiện đại mới ra đời đòi hỏi phải có sự quản lý, điều tiết phát triển theo hướng lành mạnh, không bị lãng phí các nguồn lực của xã hội, như vậy, cần sự định hướng điều tiết của Nhà nước. Thông tư đang trong quá trình soạn thảo, cần được góp ý là hết sức cần thiết đối với thị trường bán lẻ hiện nay, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia nhưng cũng định hướng quản lý nhà nước cho các địa phương”, bà Thủy nêu quan điểm.
Dự thảo Thông tư về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Bộ Công Thương nhấn mạnh sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi Dự thảo Thông tư tránh để phát sinh các quy định có thể gây hiểu nhầm là điều kiện đầu tư kinh doanh.