Báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT), ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục Trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (cơ quan Thanh tra NHNN) khẳng định, Luật PCRT được ban hành đã góp phần quan trọng tạo lập hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Ngọc, trên cơ sở Luật PCRT, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền. Cùng đó, luật đã thúc đẩy việc thực hiện báo cáo về phòng, chống rửa tiền như quy định đối tượng báo cáo phải báo cáo giao dịch tiền mặt có giá trị lớn và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử vượt ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nói riêng.
Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai, theo đại diện NHNN, Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn bộc lộ tồn tại, bất cập cần được chỉnh sửa, bổ sung. Đơn cử: Một số chủ thể có hoạt động có thể bị lợi dụng để rửa tiền nhưng chưa được quy định vào đối tượng báo cáo hoặc một số quy định của Luật PCRT còn chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai; Một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền nhưng chưa có quy định; Quy định của Luật PCRT chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế mới về phòng, chống rửa tiền.