Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước được thành lập với mục đích hỗ trợ phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho NLĐ và doanh nghiệp.
Mới đây, góp ý kiến về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội về hoạt động của Qũy này. Có ý kiến tán thành với đề xuất duy trì hoạt động của Qũy với những bổ sung, chỉnh sửa. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ do thời gian qua không phát huy được vai trò và hiệu quả.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, qua 12 năm hoạt động, số tiền thu được của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là 358,2 tỷ đồng, trung bình mỗi năm thu khoảng 30 tỷ đồng.
Nguồn thu của Quỹ đến từ đóng góp của NLĐ và DN. Theo đó, NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài đều phải đóng Qũy với mức 100 nghìn đồng/người/hợp đồng. Còn DN trích 1% số thu tiền dịch vụ hàng năm để đóng góp. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng, Qũy sẽ có nguồn hỗ trợ từ Ngân sách.
Với khoảng hơn 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, tỷ lệ thu trên đạt hiệu quả khá thấp. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, việc thu đóng góp của Quỹ còn chậm do nhiều DN chưa chủ động thực hiện nghĩa vụ đóng góp.
Về các khoản chi, trong thời gian qua, Qũy chi các nội dung như: Hỗ trợ mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, hỗ trợ bồi dưỡng tay nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho NLĐ và DN...
Trong đó, chi hỗ trợ mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước khoảng 2,2 tỷ đồng (đoàn đi khảo sát các thị trường lao động, tổ chức các hội nghị, các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ lao động ở nước ngoài...)
Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động khoảng 5,6 tỷ đồng.
Chi công tác thông tin, tuyên truyền với số tiền khoảng 17,3 tỷ đồng.
Chi hỗ trợ rủi ro cho NLĐ (ốm đau, tai nạn, chết hoặc không đủ sức khỏe phải về nước trước hạn), thân nhân NLĐ và doanh nghiệp khoảng gần 71 tỷ đồng. Trong đó, theo thông tin Tiền Phong có được, số lao động được hỗ trợ từ Qũy trong 12 năm qua là khoảng 13.600 người.
Đặc biệt, trong các tình huống bất thường như khủng hoảng chính trị năm 2011 và 2014 tại Libya, Quỹ đã thể hiện được vai trò chủ động nguồn lực để hỗ trợ, xử lý các tình huống cho NLĐ.
Tuy nhiên, do Luật Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa quy định loại hình cụ thể nên cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự của Quỹ trong 12 năm hoạt động chưa được định hình rõ ràng; chưa xác định được vị trí làm việc của các cá nhân làm việc tại Quỹ, dẫn đến việc bố trí nhân sự chưa hợp lý, chưa thúc đẩy được hoạt động của Quỹ.
Nhiều nội dung chi hỗ trợ kết quả còn thấp so với kế hoạch đề ra, đặc biệt chi hỗ trợ mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước và chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Một số nội dung hỗ trợ khó triển khai, như công tác khai thác, mở thị trường lao động ngoài nước; công tác đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp trong một số trường hợp rủi ro...
Liên quan đến vấn đề này, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH đề xuất duy trì Qũy hỗ trợ lao động ngoài nước, trong đó sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quỹ; làm rõ loại hình hoạt động; tổ chức bộ máy, nguồn hình thành, nguyên tắc sử dụng, mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ và dành một phần kinh phí từ Quỹ cho các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…