Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn huyện Nhơn Trạch điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của huyện; nghiên cứu ý tưởng phát triển đô thị hiện đại theo đề xuất của huyện; rà soát các quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, khẩn trương lập chương trình phát triển đô thị mới Nhơn Trạch trình cơ quan chức năng phê duyệt.
Đồng thời, cũng giao Sở Giao thông – Vận tải tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh thủ tục đầu tư đường 25B, 25C. UBND huyện Nhơn Trạch nghiên cứu bổ sung các nút giao thông vào hồ sơ quy hoạch các phân khu; nghiên cứu thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/5.000 khu trung tâm hành chính thị trấn Hiệp Phước và khai thác quỹ đất từ dự án này để đầu tư xây dựng các công trình; đề xuất đầu tư các tuyến đường song song và vuông góc để giảm áp lực cho đường 769 và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối trong và ngoài huyện.
Trước đó theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tương lai không gian đô thị mới huyện Nhơn Trạch được chia thành 8 khu vực, trong đó có 4 khu vực phát triển đô thị, 3 khu vực phát triển công nghiệp, cảng, dịch vụ hậu cần và 1 khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn.
Khu vực 1 thuộc các xã: Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội và Vĩnh Thanh có tổng diện tích đất khoảng 2.500ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.400ha; tổng dân số khoảng 96,8 ngàn người. Đây là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa của huyện và là đô thị "lõi", hạt nhân phát triển đô thị Nhơn Trạch. Ngoài ra, thị trấn Hiệp Phước được định hướng trở thành trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa, giáo dục, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đô thị mới Nhơn Trạch và các địa phương lân cận.
Về định hướng các khu, cụm công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng, huyện sẽ tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp bằng chính sách ưu tiên các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, bằng việc tạo dựng môi trường thông thoáng và bằng lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông. Tổng diện tích đất cho các khu, cụm công nghiệp tập trung là gần 3,5 ngàn ha. Huyện sẽ xây dựng mới khu dịch vụ hậu cần Cảng Phước An diện tích khoảng 375 ha và hệ thống cảng dọc sông Nhà Bè với tổng diện tích khoảng 183 ha. Xây dựng các khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 1,1 ngàn ha; hình thành các khu đô thị du lịch với diện tích 1 ngàn hécta tại xã Đại Phước và xã Long Tân, qua đó, sẽ khai thác du lịch trên sông kết hợp với du lịch miệt vườn và tham quan rừng ngập mặn.
Trong quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, huyện Nhơn Trạch đề cao vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các công trình hạ tầng phục vụ cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao được đầu tư mạnh. Mục tiêu của huyện là xây dựng Nhơn Trạch thành đô thị mới của tỉnh, đô thị động lực của vùng Tp.HCM. Về quy hoạch kiến trúc, Nhơn Trạch sẽ phát triển theo hướng bảo tồn cảnh quan đặc trưng của đô thị ven sông.
Với tiềm lực của địa phương và quy hoạch tổng thể phù hợp, đô thị mới Nhơn Trạch sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho huyện. Để nắm bắt thời cơ, đưa đô thị Nhơn Trạch phát triển nhanh và bền vững, huyện sẽ chủ động trong việc xây dựng đô thị mới theo hướng mở với giao thông hạ tầng là trọng yếu để kết nối vùng, liên vùng. Dự tính, nguồn vốn thực hiện phát triển đô thị Nhơn Trạch từ nay đến năm 2030 vào khoảng 7,7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm hơn một nửa, còn lại là vốn vay, vốn viện trợ và vốn từ doanh nghiệp.
Dựa theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, Sở Xây dựng đã lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/5000 phân khu 3.1, 3.2 có địa giới hành chính xã Long Tân và Phú Thạnh. Dự kiến, đến năm 2035, phân khu nói trên sẽ được lấp đầy với 50 ngàn người sinh sống. Phân khu này sẽ phát triển thành khu đô thị mới chất lượng cao theo mô hình sinh thái, đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, sẽ xây dựng các khu dân cư, công trình công cộng dịch vụ, giao thông đường bộ, đường sắt.