Chiều 1/3, tại trụ sở Chính phủ diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, công tác chế biến khoáng sản kim loại trong giai đoạn vừa qua chưa thực hiện được theo các quy hoạch đã phê duyệt, tỷ lệ thực hiện thấp.
Trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu nguyên liệu khoáng sản trong nước tăng trung bình 6,5%/năm theo tốc độ phát triển kinh tế và dự báo nhu cầu khoáng sản kim loại trên thế giới; xu hướng tăng về nhu cầu và giá các kim loại cơ bản, kim loại hiếm, nguyên liệu khoáng khác phục vụ công nghệ điện tử, pin năng lượng… có nguy cơ thiếu hụt.
Do đó, việc xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả lợi ích kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.
Dự kiến, tổng số vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản trong giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2030-2050 khoảng gần 661.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá Dự thảo Quy hoạch xây dựng công phu, bám sát các nội dung, nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tuân thủ quy trình lập, trình tự thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Các đại biểu thống nhất đề nghị thông qua sau khi Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý.
Toàn cảnh hội nghị
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản pháp lý, tiêu chuẩn mới nhất, bổ sung định hướng về đánh giá tác động môi trường và cải tạo phục hồi môi trường của các dự án phục hồi thăm dò; quản lý chặt chẽ các biện pháp cải tạo môi trường đối với từng loại hình khoáng sản, công nghệ khai thác áp dụng; cân nhắc giữ lại các quy định về công suất tối thiểu của dự án đầu tư chế biến quặng titan… ưu tiên nguồn vốn khoa học và công nghệ, nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác và chế biến nhằm tận thu và nâng cao hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Tiến sỹ môi trường Nguyễn Thị Lan cho biết, khai thác khoáng sản đòi hỏi diện tích đất. Do đó Dự thảo quy hoạch cần làm rõ với dự án sử dụng diện tích đất lớn, chiều sâu than quặng mỏng như khai thác quặng bôxít, titan… cần có định hướng sử dụng đất theo hướng cuốn chiếu, cải tạo môi trường, trả diện tích khai thác cho địa phương, để địa phương có thể sử dụng đất vào các mục đích khác mà không phải đợi đến khi kết thúc khai thác mới bàn giao như các dự án khai thác mỏ hiện nay.
Đánh giá cao Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự thảo quy hoạch đã tính đến yếu tố áp dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hoạt động khai thác khoáng sản phải gắn với nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong quy hoạch lần này, cần đưa ra đánh giá đầy đủ về sự phát triển và tiến bộ của công nghệ thăm dò, công nghệ khai thác và công nghệ chế biến.
Quy hoạch cần đề cập tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Quá trình quy hoạch mỏ khoáng sản, không chỉ thăm dò mà phải tính toán đến hệ thống khai thác tiết kiệm hiệu quả.
"Trong quy hoạch lần này phải tính đến hạ tầng, quy hoạch phải giải quyết bài toán kinh tế môi trường. Khai thác khoáng sản là cần thiết nhưng sẽ ảnh hưởng môi trường lớn, do đó, quy hoạch làm sao tính đến bài toán khai thác khoáng sản và bảo vệ cảnh quan môi trường và các ngành kinh tế xanh khác, phải có hạ tầng giao thông riêng. Không hy sinh lợi ích người dân và không hy sinh lợi ích môi trường", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Với những đề xuất trong dự thảo quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, có những vấn đề có thể đề cập quyết định quy hoạch. Tuy nhiên, với những vấn đề quyết định mang tính chính sách thì cần đề xuất, kiến nghị để đưa vào Luật, nghị định hoặc thông tư.